12:09 25/12/2012

Nâng cao vai trò giám sát đối với doanh nghiệp nhà nước

Nâng cao khả năng giám sát doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đang là nội dung được dư luận quan tâm hiện nay. Liên quan vấn đề này, phóng viên (PV) TTXVN đã có cuộc trao với TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn độc lập, nguyên Trưởng Ban cải cách doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Nâng cao khả năng giám sát doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đang là nội dung được dư luận quan tâm hiện nay. Liên quan vấn đề này, phóng viên (PV) TTXVN đã có cuộc trao với TS. Trần Tiến Cường (ảnh), chuyên gia tư vấn độc lập, nguyên Trưởng Ban cải cách doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

 

´Theo đánh giá, một trong những lý do dẫn đến hiện trạng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả là do công tác giám sát chưa tốt. Ông nhận định về vấn đề này thế nào?


Về hoạt động giám sát các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thời gian qua, tôi cho rằng có 2 vấn đề đáng phải bàn. Thứ nhất là tính chuyên nghiệp chưa cao, đặc biệt là sự chuyên trách. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có cơ sở, nguồn tư liệu thông tin đầy đủ để đánh giá kịp thời, đúng đắn về hoạt động của các tập đoàn kinh tế từ khi nó được thành lập. Mặt khác, nhiều báo cáo của chính các tập đoàn, tổng công ty đôi khi chưa đầy đủ. Theo tôi, các mục tiêu nhà nước giao cho doanh nghiệp phải được lượng hóa hoặc ít nhất có tiêu chí hóa, khi đó chúng ta mới có cơ sở để đánh giá đúng. Nhưng trên thực tế, chúng ta lại chưa có đủ những cơ sở đó.


Thứ hai, những hướng dẫn của các cơ quan được giao giám sát, đánh giá tập đoàn, tổng công ty lại chưa đi vào cụ thể. Chúng ta chưa xác định được chi tiết từng lĩnh vực và có được cái nhìn tổng thể cả trên góc độ về tài chính và hiệu quả kinh doanh của tập đoàn, tổng công ty. Tất nhiên, vấn đề tài chính và hiệu quả kinh doanh là vấn đề trọng tâm, nhưng bên cạnh đó các doanh nghiệp nhà nước còn được giao nhiều vai trò quan trọng khác nữa. Vì vậy, vấn đề này cần được nhìn một cách tổng hợp.

 

´Hiện nhiều cơ quan cùng đóng vai trò là chủ thể giám sát doanh nghiệp nhà nước. Theo ông việc này có gây ra sự chồng chéo, hay khó khăn gì cho công tác giám sát hay không?


Có hiện trạng nhiều chủ thể cùng giám sát một đối tượng giám sát là do hiện nay doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều nội dung giám sát khác nhau nên cần có sự phân công, phân cấp. Do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ để có sự đồng nhất trong việc thực hiện giám sát các chủ thể khác nhau về cùng một vấn đề hay tổng hợp về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự phối hợp hiện nay chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đang đặt ra. Thời gian vừa qua, Quốc hội đã thể hiện tốt sự giám sát các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tuy nhiên tôi mong muốn vai trò giám sát của Quốc hội sẽ cao hơn vì Quốc hội là một trong những cơ quan đại diện cho sở hữu toàn dân ở góc độ thực hiện việc giám sát.

 

´Vậy theo ông cần có những giải pháp, chế tài gì để hoạt động giám sát doanh nghiệp nhà nước tốt hơn?


Theo tôi, chúng ta cần phải có những biện pháp giám sát một cách cụ thể và có trách nhiệm. Xây dựng những tiêu chí cũng như có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan liên quan. Mặt khác, bản thân doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng phải có những nhìn nhận trong thể chế kinh tế thị trường, quyền của doanh nghiệp được tự chủ, đặc biệt là sau khi doanh nghiệp nhà nước được điều chỉnh bởi Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nhà nước cần phải bình đẳng như các doanh nghiệp khác. Khi đó, vai trò nhà nước giảm đi, ngược lại vai trò giám sát lại tăng lên. Do đó, cần có cơ chế giám sát nhưng phải đảm bảo không can thiệp sâu vào doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo cơ quan giám sát biết được doanh nghiệp đó hoạt động như thế nào, nó có đạt được các mục tiêu đã đề ra hay không. Ngoài ra, các mục tiêu phải được thể hiện bằng các tiêu chí thật sự cụ thể mới có thể giám sát hiệu quả được.


Quang Toàn-Văn Xuyên (thực hiện)