11:09 21/11/2014

Nâng cao vai trò của ngành truyền hình

Ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX, chỉ sau một vài thập kỷ, truyền hình trở thành một phương tiện truyền thông độc lập, thu hút một lượng khán giả khổng lồ.

Ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX, chỉ sau một vài thập kỷ, truyền hình trở thành một phương tiện truyền thông độc lập, thu hút một lượng khán giả khổng lồ.

Truyền hình ngày càng phát triển mạnh mẽ.


Ra đời sau báo in và báo phát thanh, nhưng với thế mạnh là sự tích hợp các loại hình truyền thông và sử dụng hình ảnh sống động, âm thanh, ngôn từ tác động đến hàng triệu người một lúc… truyền hình nhanh chóng trở thành một loại hình truyền thông có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với các vấn đề mà báo chí đề cập. 

Từ cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học đã có những phát hiện đầu tiên về nguyên tắc truyền và nhận tín hiệu như: thiết kế quay đĩa của Nipkow, sự phát minh ra công nghệ ống phóng đại mới,… nhưng phải đến năm 1920, nhà khoa học người Mỹ Charles Francis Jenkins và nhà khoa học người Anh John Logie Baird mới tạo ra chiếc tivi (TV) cơ học đầu tiên.

Năm 1927, nhà khoa học trẻ Philo Taylor Farnsworth cùng các đồng sự đã phát minh ra bóng bán dẫn, rồi phát triển thành công phiên bản vô tuyến điện tử đầu tiên. Đây là bước đột phát trong công nghệ truyền hình, từ đây khán giả có thể xem được những hình ảnh đẹp và sắc nét hơn trước.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng có nhiều bước tiến mới trong trong lĩnh vực truyền dẫn phát sóng: từ việc truyền dẫn tín hiệu qua dây đồng trục đến việc truyền tín hiệu hình ảnh qua sóng truyền hình.

Đến năm 1936, chương trình truyền hình công cộng đầu tiên xuất hiện tại London được phát bằng hình ảnh 405 dòng quét ngang và 25 hình/giây. Tháng 11/1937, BBC thực hiện buổi phát hình ngoài trời đáng chú ý. Đó là lễ đăng quang của vua George VI tại công viên Hyde - London. Theo những thông tin được ghi lại thì chỉ có khoảng 500 chiếc TV bắt được sóng của chương trình này. 

Cùng với sự phát triển của truyền hình đen trắng, các nhà khoa học cũng nghiên cứu chế tạo thiết bị truyền hình màu bằng cách sử dụng ba màu cơ bản là đỏ, lục và xanh. Năm 1928, Baird cho ra mắt truyền hình màu dùng 3 bộ đĩa Nipkow quét hình ảnh, nhưng phải đến năm 1953, hệ thống truyền hình màu thích hợp với truyền hình đơn sắc mới ra đời. Một năm sau, truyền hình màu công cộng đã xuất hiện.

Từ năm 1955, truyền hình đã trở thành một phương tiện thiết yếu cho mỗi gia đình, mỗi quốc gia, và là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa cũng như các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.

Vì thế, đến năm 1996, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định chọn ngày 21/11 hàng năm là Ngày Truyền hình thế giới, với mục đích phát huy ảnh hưởng của truyền hình đối với quá trình hình thành và định hướng dư luận về những vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh cũng như phát triển kinh tế xã hội trên thế giới.

Cùng với sự sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, truyền hình ngày càng phát triển kể cả về chất và lượng. Sự phát triển của các dịch vụ truyền hình cáp, truyền hình vệ tinh, đặc biệt truyền hình độ phân giải cao HDTV đã để lại dấu ấn trong lịch sử phát triển của lĩnh vực truyền hình.

Trong những năm gần đây, tiến trình số hóa đang là xu hướng tất yếu của các đài phát thanh truyền hình trên thế giới hướng tới, nhằm nâng cao hiệu quả thông tin truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, nhiều chiều của khán thính giả. Hiện nay, khán giả không nhất thiết phải ngồi tại nhà, trước màn hình TV để xem truyền hình. Khán giả có thể xem truyền hình ở bất kỳ đâu và bất kỳ khi nào thông qua các thiết bị có kết nối internet như máy tính hay điện thoại di động. Thực tế này đã tạo ra một lượng khán giả khổng lồ cho ngành truyền hình.

Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với những nhà sản xuất chương trình truyền hình hiện nay. Trong đó thách thức lớn nhất nằm ở tính trung thực và chất lượng của chương trình. Bởi chỉ có những chương trình gần gũi với đời sống và thực sự hấp dẫn mới thu hút được sự quan tâm của khán giả. Nếu không, họ rất dễ dang chuyển sang những chương trình, những nguồn thông tin phù hợp hơn trên mạng internet.

Tại Việt Nam, Chính phủ luôn ưu tiên dành sự quan tâm đầu tư và có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của ngành phát thanh truyền hình Việt Nam theo hướng hiện đại hóa về công nghệ, chuyên nghiệp hóa về hoạt động sản xuất chương trình, đa dạng hóa về thể loại và loại hình dịch vụ. Năm 2011, Chính phủ đã phê duyệt và triển khai đề án số hóa phát thanh truyền hình Việt Nam đến năm 2020.

    
Trung tâm Thông tin Tư liệu/TTXVN