05:10 07/05/2011

Nâng cao tính tự chủ của thanh, thiếu niên trong thời đại đa truyền thông - Gia đình, nhà trường, xã hội: Ba đỉnh của tam giác truyền thông

"Internet cũng như một thành phố lớn, ở đó ta có thể tìm kiếm được những mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, thay vì cấm đoán, nên dạy trẻ cách sử dụng Internet như từng dạy trẻ khi còn nhỏ biết cách đi như thế nào trong thành phố, cách qua đường như thế nào…"...

"Internet cũng như một thành phố lớn, ở đó ta có thể tìm kiếm được những mặt tích cực và tiêu cực. Do đó, thay vì cấm đoán, nên dạy trẻ cách sử dụng Internet như từng dạy trẻ khi còn nhỏ biết cách đi như thế nào trong thành phố, cách qua đường như thế nào…", PGS.TS Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch Hội Khoa học- Tâm lý - Giáo dục Đồng Nai, khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, TS Phạm Văn Thanh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Đồng Nai, cũng cho rằng, gia đình chính là môi trường đầu tiên giáo dục và hình thành cho các em về các chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống, về cách ứng xử giữa con người với con người. Do đó, bản thân cha mẹ cũng phải có sự hiểu biết nhất định các phương tiện và hình thức truyền thông, để tìm ra hướng quản lý, giáo dục con em mình một cách đúng đắn.

“Nghiện” Internet làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức và hành vi của một bộ phận giới trẻ. Ảnh: Minh Tú - TTXVN


Đối với nhà trường, bên cạnh việc cung cấp các kiến thức văn hóa, tri thức khoa học và các kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, cần chú trọng hơn nữa việc giáo dục cho các em lý tưởng sống, đạo đức sống và từng bước hình thành năm đặc điểm cơ bản của con người Việt Nam trong thời đại mới. Đó là: Trau dồi tinh thần yêu nước, có ý chí vươn lên; có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung; có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa...; lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao...; thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

Hôm nay (7/5), tại Đồng Nai diễn ra hội thảo khoa học “Tính tự chủ của học sinh trong thời đại đa truyền thông” do Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Đồng Nai, Hội Nhà báo Đồng Nai, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Sông Phố và trường Đại học Đồng Nai tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục từ các trường ĐH, các viện nghiên cứu, trung tâm, Sở Giáo dục- Đào tạo các tỉnh trên toàn quốc và cả nước ngoài... Khoảng 10 bài tham luận sẽ được trình bày tại hội thảo.

Theo TS Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, trường Đại học KHXH và NV TP.HCM: "Đã đến lúc phải nghĩ đến một chương trình giáo dục kỹ năng truyền thông căn bản và lâu dài trong nhà trường, được thực hiện trong chính khóa lẫn ngoại khóa, chú trọng cả việc phối hợp với gia đình, để hướng dẫn học sinh hiệu quả hơn việc khai thác đa truyền thông".

Giáo dục kỹ năng tức là chú trọng nhiều vào giáo dục hành vi chứ không phải là cung cấp các nhận thức thuần túy dưới dạng các giáo điều và khẩu hiệu. Giáo dục hành vi là giải pháp giáo dục có tính thực tế và phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi.

Cũng cần tăng cường giáo dục truyền thông thông qua các biểu tượng, một nhu cầu tâm lý của lứa tuổi học sinh là tìm kiếm các hình mẫu để học hỏi và nếu họ tự tìm thấy được những hình mẫu đó trong xã hội đa phương tiện thì rất hữu hiệu. Vì vậy, cách thức hợp lý nhất để bảo vệ các giá trị mà chúng ta tin tưởng và mong muốn học sinh có được trong phẩm chất tốt đẹp là phải chủ động phổ biến nhiều tấm gương sáng, những câu chuyện làm rung động tình cảm học sinh…

Bên cạnh đó, cũng cần tạo nhiều sân chơi bổ ích cho các em ở đời sống thực, điều này như một yếu tố phòng ngừa các vấn đề với Internet. "Các nhà nghiên cứu và thực hành cần nghiên cứu sâu hơn về tác động của truyền thông Internet đối với giới trẻ, nhất là vấn đề tác động của Internet đến nhận thức và hành vi tình dục. Đây là một lĩnh vực rất mới mà chúng ta cần nghiên cứu. Kết quả từ các nghiên cứu thực chứng sẽ giúp chúng ta xây dựng được chiến lược hỗ trợ các em nâng cao tính tự chủ một cách vững vàng", BS Lê Minh Công nhấn mạnh.

Phương Liên