12:22 29/12/2014

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền Chương trình 504

Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó, cùng với hậu quả của chất độc da cam dai dẳng di truyền biết bao thế hệ thì những tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ sót lại và nguy cơ luôn rình rập, gây cảm giác bất an cho nhân dân đang canh tác trên chính mảnh đất của họ...

Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đó, cùng với hậu quả của chất độc da cam dai dẳng di truyền biết bao thế hệ là những tai nạn thương tâm do bom mìn, vật nổ tồn sót lại và nguy cơ luôn rình rập, gây cảm giác bất an cho những người dân đang canh tác trên chính mảnh đất của họ.
 
Nỗi đau còn đó
 
Chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm nhưng lượng bom mìn, vật nổ (BM, VN) còn sót lại khắp các vùng miền của cả nước. Theo số liệu điều tra sơ bộ còn khoảng 800.000 tấn BM chưa nổ trên 6,6 triệu ha chiếm hơn 20% diện tích đất đai cả nước bị ô nhiễm, rải trên cả 63 tỉnh thành. Từ sau chiến tranh đến nay đã hơn 100.000 người bị thương vong do BM, VN còn sót lại, trong đó không ít những chiến sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ rà phá BM. Điều đó càng khẳng định “Bộ đội Công binh là lực lượng chiến đấu trong thời bình” với những chiến công thầm lặng mà không phải ai cũng thấu hiểu được.
 
Cán bộ chiến sĩ Công ty Trường An (Bộ Tổng Tham mưu) tham gia rà phá bom mìn tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).
 
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết: Sau khi chiến tranh kết thúc Chính phủ đã tổ chức nhiều chiến dịch rà phá, thu gom, tiêu hủy hàng ngàn tấn BM, VN, giải phóng đất đai, đưa dân về tái định cư. Tuy nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm gần đây, Chính phủ đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng cho công tác khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh. Theo tính toán với tiến độ như vậy phải mất vài trăm năm mới giải quyết toàn bộ số BM ô nhiễm trên toàn quốc.
 
 
Để huy động tối đa mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504). Mục tiêucủa Chương trình “Huy động nguồng lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của BM phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân BM hòa nhập đời sống xã hội”.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
Để thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình, công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng. Thời gian qua Tiểu ban Tuyên truyền đã tham mưu xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trong nước và cộng đồng quốc tế để nâng cao nhận thức về thực trạng và hậu quả BM, VN sót lại sau chiến tranh và hoạt động của Chương trình 504, công tác tuyên truyền đã có hiệu ứng tích cực, gắn kết hơn sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo cơ chế phối hợp, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, đã thu hút được sự ủng hộ của nhiều tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ thực hiện Chương trình.
 
Công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ đã có hiệu ứng tích cực đã gắn kết trách nhiệm của các cấp, các ngành.
 
Cũng theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, từ khi Chương trình 504 ra mắt đã thu hút được sự quan tâm của nhiều cấp, bộ ngành, công tác tuyên truyền đã được triển khai rộng khắp ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình cả trong nước và quốc tế, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Hàng năm Cơ quan Thường trực (CQTT) phối hợp tổ chức giao lưu truyền hình trực tiếp nhân ngày thế giới phòng chống BM (4/4) với các chủ đề “Chung tay góp sức khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh”, “Khắc phục hậu quả BM vì bình yên cuộc sống”, “Thông điệp xanh từ lòng đất Việt Nam”…
 
Cơ quan thường trực 504 đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền cả trong nước và quốc tế đã tạo được sự đồng thuận cao của toàn xã hội, thu hút được sự quan tâm sẻ chia của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế ủng hộ cho Chương trình, bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ. Các cấp lãnh đạo, chính quyền, các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã nhận thức sâu sắc hơn, đầu tư kinh phí nhiều hơn cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, với sự nỗ lực của Chính phủ, tiến độ, diện tích rà phá được tăng lên hàng năm (giai đoạn 1999-2010 được 20.000 ha/năm, đến năm 2013 đã lên 50.000 ha). Chính phủ đã đầu tư khoảng 30 tỷ đồng cho Dự án Điều tra lập bản đồ ô nhiễm bom mìn toàn quốc, nâng cấp quản lý về công tác khắc phục hậu quả BM lên tầm quốc gia. Công tác tuyên truyền giáo dục phòng tránh tai nạn BM được quan tâm hơn, một số trường học các vùng ô nhiễm nặng đã đưa nội dung giáo dục nhận biết và phòng tránh thành môn học cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Nhận thức, ý thức của người dân đã được nâng lên, tai nạn BM đã giảm đáng kể so với những năm trước đây. Chính sách đối với lực lượng trực tiếp làm công tác rà phá BM được quan tâm hơn.
 
Tăng cường kêu gọi tài trợ
 
Tại các buổi giao lưu truyền hình đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ hàng chục tỷ đồng và cam kết tài trợ hàng chục triệu USD cho Chương trình. Chính phủ Hoa Kỳ và Na Uy thông qua Quỹ Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã hỗ trợ kinh phí và cử chuyên gia trực tiếp giúp xây dựng cơ sở ban đầu cho Trung tâm Dữ liệu BM quốc gia với số tiền cam kết tài trợ gần 5 triệu USD. Chính phủ Hoa Kỳ thông qua tổ chức nhân đạo Gonden West và Trung tâm quốc tế (IC) từ 2010 đến nay đã hỗ trợ trang bị phục vụ công tác rà phá, xử lý BM, huấn luyện nâng cao năng lực và trực tiếp thực hiện các dự án rà phá BM, giải phóng đất đai, quản lý chất lượng… tổng số trên 10 triệu USD. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ thiết bị cắt cây phá mìn trị giá 11 triệu USD; ngoài ra các tổ chức phi chính phủ như IC, MAG, APOPO (thay thế SODI), NPA, Gonden West… là các đối tác thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ tại các tỉnh miền Trung. Chính phủ các nước Anh, Bỉ, Ấn Độ… cũng đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động rà phá BM. Năm 2013 Chính phủ Hoa Kỳ đã ký bản ghi nhớ với Ban Chỉ đạo 504, CQTT 504 đã ký biên bản ghi nhớ với IC và GICHD về hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả BM tại Việt Nam, làm cơ sở cho hợp tác lâu dài…
 
Hàng năm diện tích bom mìn, vật nổ được rà phá đã tăng lên.
 
Cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và hỗ trợ của cộng đồng trong nước và quốc tế, hàng trăm nghìn ha đất đã được giải phóng, tạo môi trường an toàn cho sản xuất, giảm thiểu thương vong do tai nạn BM, giúp biết bao nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
 
Để sớm đạt được mục tiêu của Chương trình, một trong những giải pháp mang tính chiến lược là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, để thực sự thu hút các cấp, các ngành, mọi cơ quan, tổ chức và mọi người cùng vào cuộc một cách tự giác, đồng thời tăng cường hơn nữa tuyên truyền quốc tế nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để thực hiện Chương trình.
 
Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trực tiếp cho người dân, học sinh và thanh thiếu niên ở các vùng bị ô nhiễm nặng về cách nhận biết, kỹ năng phát hiện, phòng tránh tai nạn BM với các nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhưng đơn giản, cụ thể, dễ thu hút, dễ hiểu, dễ nhớ. Cùng với nội dung tuyên truyền hoạt động của Chương trình, cách nhận biết và phòng tránh, kết hợp tuyên truyền về chính sách bảo trợ xã hội, hỗ trợ nạn nhân BM như: Hỗ trợ cấp cứu, chữa trị nạn nhân do tai nạn BM; hỗ trợ phục hồi chức năng, chỉnh hình, dụng cụ, phương tiện trợ giúp; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ tái định cư, tái hòa nhập cộng đồng và chính sách cho người dân vùng ô nhiễm nặng…
 
Cùng với công tác tuyên truyền, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn bom mìn cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm.
 
Để công tác truyên truyền thiết thực, hiệu quả, trước hết cấp ủy, chỉ huy các đơn vị Công binh toàn quân phải coi tuyên truyền là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các nội dung của Chương trình, tiến hành thường xuyên, liên tục. Quá trình tổ chức thực hiện cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành, tổ chức, đoàn, hội… để tuyên truyền, coi trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng, phương pháp cho cán bộ cơ sở, những người trực tiếp hàng ngày với đối tượng tuyên truyền. Với tiêu chí mỗi cán bộ, đảng viên đoàn, hội ở cơ sở và mỗi người dân sẽ là những tuyên truyền viên với phương châm người biết nhiều truyên truyền cho người biết ít, người biết ít truyên truyền cho người chưa biết và mong muốn có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng làm giảm thiểu tai nạn do BM, VN. Kêu giọi cộng đồng quốc tế quan tâm, sẻ chia hỗ trợ rút ngắn thời gian hoàn thành mục tiêu của Chương trình, tạo môi trường an toàn để người dân an tâm canh tác, phát triển an sinh xã hội.
 

Bài và ảnh:Nguyễn Viết Tôn