02:08 16/02/2015

Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành tài nguyên môi trường

Trước thềm năm mới Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trao đổi với báo chí về những suy nghĩ, trăn trở của ông trước lời giải các vấn đề "nóng" đã và đang đặt ra đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2015.

Trước thềm năm mới Ất Mùi 2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã trao đổi với báo chí về những suy nghĩ, trăn trở của ông trước các vấn đề "nóng" đã và đang đặt ra đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2015 - năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015, đồng thời xây dựng và chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang.


Thưa Bộ trưởng, vượt qua những khó khăn chung, năm 2014 ngành Tài nguyên và Môi trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Vậy đâu là điểm sáng mà Bộ trưởng tâm đắc nhất?

 Năm 2014, ngành Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Hệ thống chính sách, pháp luật về Tài nguyên và Môi trường tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả, góp phần phát huy nguồn lực Tài nguyên và Môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo hướng bền vững. Bộ đã tập trung tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật bảo vệ môi trường, cho ý kiến dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật đất đai năm 2013 đúng tiến độ. Lần đầu tiên Luật đất đai và các Nghị định hướng dẫn có hiệu lực song hành đi vào cuộc sống. Công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý được đẩy mạnh; nhiều hành vi vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm. Đặc biệt công tác cải cách hành chính đã được thực hiện hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp.

Tôi cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về Tài nguyên và Môi trường trong năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) các cấp. Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ trên các lưu vực sông; tham mưu cho Chính phủ giải quyết tốt các vấn đề nóng của hợp tác sông Mê Công. Công tác cấp phép hoạt động khoáng sản cũng được chấn chỉnh; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và đình chỉ nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Mặc dù đạt được những kết quả, song công tác quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vẫn còn là vấn đề bức xúc ở một số nơi. Khiếu kiện về đất đai tuy có giảm nhưng vẫn phức tạp ở nhiều địa phương. Công tác quản lý, cấp phép khoáng sản còn nhiều tồn tại, đặc biệt là khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…

Thưa Bộ trưởng, ô nhiễm môi trường đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Bộ phải làm gì để giải quyết thách thức này?

 Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường một số khu vực tiếp tục bị ô nhiễm, một số sự cố môi trường vẫn xảy ra; vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý gây ô nhiễm môi trường còn khá phổ biến...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường còn chưa cao. Tình trạng coi trọng các lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn phổ biến. Nhiều quy định về bảo vệ môi trường còn chồng chéo, việc thực thi pháp luật chưa nghiêm. Bên cạnh đó, yêu cầu bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án, nhất là trong quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, thủy điện. Việc huy động sức mạnh cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường còn hạn chế...

Để giải quyết các vấn đề này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24 –NQ/TW năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vừa qua, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật bảo vệ môi trường năm 2014 với nhiều nội dung mới quan trọng. Theo đó, lần đầu tiên luật đã cụ thể hóa quy định “mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”; bổ sung một số nội dung mới đồng thời quy định cụ thể hơn nội dung bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư và người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

Công tác quản lý khoáng sản trong thời gian qua đã có những biến chuyển cụ thể như thế nào? Tác động của việc triển khai các giải pháp, nhất là việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên đến nay ra sao, thưa Bộ trưởng?

Có thể nói, thời gian qua chúng ta đã có nhiều giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản. Hệ thống pháp luật về khoáng sản cơ bản đã hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hơn, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên. Tình trạng cấp phép khai thác khoáng sản “tràn lan” trước đây ở nhiều địa phương bước đầu được khắc phục. Để chấn chỉnh tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Nếu trước thời điểm Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, trung bình mỗi năm có trên 800 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND các tỉnh, thành phố cấp thì năm 2013 chỉ có khoảng gần 500 giấy phép cấp mới, gia hạn. Năm 2014 cũng đã giảm gần một nửa so với con số trung bình các năm trước.

Đến nay, hoạt động khoáng sản, nhất là khai thác khoáng sản đã bắt đầu chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu. Sau gần 4 năm thực hiện Luật khoáng sản năm 2010, với quy định chặt chẽ trong khâu cấp phép mới cũng như khi chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; quy định về trách nhiệm nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản của cấp tỉnh; khi cấp phép khai thác phải gắn với địa chỉ chế biến đã buộc các doanh nghiệp không có đủ năng lực về vốn, công nghệ phải “tự rút lui". Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến sâu, thăm dò xác định trữ lượng…

Trong năm 2014, việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng được triển khai đồng bộ trên cả nước. Cụ thể đã triển khai tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 500 khu vực cấp phép trước ngày Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực và gần 100 khu vực đề nghị cấp phép khai thác mới trong năm 2014. Tôi cho rằng, việc các tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tăng thêm cho thu ngân sách Trung ương và địa phương trong năm 2014, đồng thời tăng trách nhiệm trong khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, loại bỏ các tổ chức, cá nhân không có năng lực về vốn, công nghệ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản để trục lợi.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản dự kiến sẽ ban hành trong quý I. Theo đó, nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt sẽ được triển khai góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về khoáng sản thời gian tới.

Cạnh tranh, mâu thuẫn về chia sẻ, phân bổ tài nguyên nước hiện nay đang là vấn đề “nóng”. Việt Nam cần phải xử lý như thế nào để đảm bảo hài hòa trong khai thác nguồn tài nguyên này, thưa Bộ trưởng?

Việt Nam không phải là quốc gia giàu về nước, lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 37% tổng lượng nước. Do đó vấn đề nguồn nước, chia sẻ và phân bổ tài nguyên nước luôn là mối quan tâm lớn của ngành. Thực tế, gần 2/3 lượng nước của Việt Nam hình thành từ ngoài lãnh thổ nên cần có cơ chế, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước, trong khi một số quốc gia ở thượng nguồn lại đang tăng cường khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng nước gia tăng trong khi tình trạng sử dụng nước lãng phí vẫn còn phổ biến. Mâu thuẫn, cạnh tranh trong sử dụng nước tiếp tục tăng, nhất là đối với các công trình chuyển nước và các hồ chứa nhỏ. Tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ nghiêm trọng lẫn phạm vi ảnh hưởng.

Để giải quyết thách thức này, Bộ sẽ tiếp tục đổi mới thể chế, cách thức quản lý theo hướng sử dụng tổng hợp, hiệu quả bền vững nguồn nước. Bộ đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả, quản lý, bảo vệ nguồn nước, nhất là các biện pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước của các hồ chứa. Đặc biệt, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông lớn trong mùa lũ. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện; gắn chế độ vận hành của công trình với các yêu cầu về phòng, chống lũ và điều tiết nước.

Trong năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn; đồng thời kiểm tra, giám sát thực hiện các quy trình vận hành và xử lý nghiêm vi phạm... Trên bình diện quốc tế, Bộ đã tham mưu để Việt Nam tham gia vào các thể chế quốc tế về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia.

Thưa Bộ trưởng, như vậy khó khăn, thách thức và cơ hội đặt ra với ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2015 là rất lớn. Bộ sẽ tiến hành cụ thể việc xây dựng cơ chế, chính sách và tham mưu cho Chính phủ ra sao để phát triển, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường?

Năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 của ngành tài nguyên và môi trường, đồng thời xây dựng và chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 của ngành. Với định hướng đó, trong năm 2015 toàn ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch về quản lý tài nguyên và môi trường. Cùng với đó, khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn và triển khai các Luật, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tập trung hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tại kỳ họp thứ 9 năm 2015, hoàn thiện dự án Luật khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành luật để trình Quốc hội cho ý kiến; tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ môi trường. Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật về các lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, toàn ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát và đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức và cá nhân; thực hiện cơ chế một cửa quốc gia tại các cảng biển quốc tế. Từ tháng 6 năm 2015 kết nối chính thức hệ thống công nghệ thông tin của Bộ với Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW), kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành tài nguyên và môi trường; tập trung hoàn thiện hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai một cấp và Tổ chức phát triển quỹ đất tại các địa phương; các tổ chức, bộ phận chuyên môn định giá đất, môi trường, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước, biển và hải đảo ở các địa phương. Ngoài ra, ngành tiếp tục triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, đẩy nhanh lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các lĩnh vực quản lý của ngành.

Ngành cũng tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, quản lý trong ngành; triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch phát triển nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn đến năm 2020, tăng cường và chủ động hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế; vận động các chương trình, dự án có nguồn vốn nước ngoài nhằm hỗ trợ tích cực cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tổng hợp và sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng ngừa và xử lý ô nhiễm; nâng cao năng lực và thể chế quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường,...; khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ngành chú trọng mở rộng và triển khai có hiệu quả hợp tác quốc tế; nghiên cứu, xây dựng chiến lược hợp tác ưu tiên với các đối tác song phương, tập trung thúc đẩy các hợp tác trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.


Thu Phương (thực hiện)