11:08 22/11/2012

Nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm

Trong công tác kiểm định chất lượng hàng hóa thì vai trò của các phòng thí nghiệm, các thiết bị phân tích, đo lường là rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam còn chưa có nhiều thiết bị phân tích, đo đạc theo kịp trình độ của thế giới.

Trong công tác kiểm định chất lượng hàng hóa thì vai trò của các phòng thí nghiệm, các thiết bị phân tích, đo lường là rất quan trọng, nhất là khi Việt Nam còn chưa có nhiều thiết bị phân tích, đo đạc theo kịp trình độ của thế giới. TS Nguyễn Hữu Thiện (ảnh), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường chất lượng (Bộ KH&CN), Chủ tịch Hội các phòng Thử nghiệm Việt Nam đã trao đổi với phóng viên Tin tức về vấn đề này.

 

´Xin ông cho biết hiện trạng của các phòng thí nghiệm để kiểm định chất lượng hàng hóa ở Việt Nam hiện nay?


Cần khẳng định: Việc thử nghiệm, thí nghiệm hàng hóa rất cần đến phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, hiện nay, các phòng thí nghiệm này chưa được coi trọng đúng mức. Những người làm công tác thí nghiệm tại đây hầu như chưa được quan tâm. Bên cạnh các phòng thí nghiệm có thiết bị hiện đại, hoạt động tốt thì cũng có nhiều phòng thí nghiệm trong tình cảnh “đắp chiếu” để đó.


Khu vực phía Nam có nhiều phòng thí nghiệm hoạt động rất tốt như phòng thí nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm 3 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, phòng thí nghiệm tư nhân của GS Chu Phạm Sơn hay phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ dược phẩm...


Các thiết bị thí nghiệm, phân tích, đo lường bây giờ ngày càng đa dạng. Nếu như trước đây các thiết bị này rất khó mua thì bây giờ có tới 40 - 50 công ty phân phối kinh doanh thiết bị thí nghiệm. Kinh tế trong nước có nhiều phát triển, nên lĩnh vực phân tích, thí nghiệm cũng có nhiều tiến bộ hơn trước.

 

´Vậy các phòng thí nghiệm hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu thực tế chưa, thưa ông?


Có nhiều phân tích chúng ta đã làm được nhưng cũng có cái chưa. Ví dụ thí nghiệm về chất điôxin thì VN chưa làm được, phải gửi ra nước ngoài. Các phòng thí nghiệm trong nước cơ bản đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu. Một vài chỉ tiêu khó khăn thì phải đưa ra nước ngoài phân tích.


Đôi khi trong thực tế có tình trạng cùng một mẫu phân tích nhưng mỗi nơi xét nghiệm lại ra một kết quả khác nhau. Người dân không biết tin vào kết quả xét nghiệm nào. Lúc đó, chúng ta phải xét xem mẫu phân tích đó thuộc lĩnh vực nào, ai là người chịu trách nhiệm. Ví dụ: Kiểm tra dược phẩm thì phải đưa đến trung tâm kiểm nghiệm thuốc của Bộ Y tế thì kết quả sẽ chính xác hơn. Bên cạnh đó, trong các phòng thí nghiệm người ta sử dụng phương pháp xử lý số liệu để tìm ra kết quả đúng. Chẳng hạn, trong 10 kết quả cho ra mà có kết quả nào khác quá xa so với số còn lại thì ta phải loại bỏ kết quả đó.


´Làm thế nào để các phòng thí nghiệm ở nước ta hoạt động hiệu quả hơn, thưa ông?


Không thể quy hết trách nhiệm cho các phòng thí nghiệm. Với cách quản lí như hiện nay, hàng hóa không được kiểm nghiệm ngay từ nguồn mà đến khi có tin đồn về chất lượng mới được kiểm nghiệm thì các phòng thí nghiệm không thể kham nổi. Ngăn chặn hàng hóa độc hại phải ngay từ khâu nhập khẩu hàng hóa đó.


Nên tạo điều kiện cho các phòng thí nghiệm tư nhân phát triển và hoạt động. Đối với những mẫu xét nghiệm đơn giản mà người dân có nhu cầu thì có thể đem đến các phòng thí nghiệm tư nhân này để có kết quả nhanh hơn. Hiện nay, Nhà nước không cấm các phòng thí nghiệm tư nhân hoạt động, ai có tiền thì tự mở phòng thí nghiệm và hoạt động theo quy luật thị trường. Làm tốt thì có khách đến và ngược lại.

 

Hoàng Dương