06:14 08/06/2017

Nâng cao giá trị tài nguyên nhìn từ mỏ đa kim Núi Pháo

So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản được đánh giá tương đối đa dạng với hơn 5.000 điểm mỏ thuộc 60 loại khoáng sản được phát hiện và khai thác.

Tuy vậy có một thực tế đó là việc khai thác tài nguyên khoáng sản thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến hiệu quả kinh tế chưa cao, tình trạng khai thác thiếu quy hoạch, thậm chí khai thác “thổ phỉ” đối với các mỏ nhỏ, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, hủy hoại môi trường, thảm thực vật, gây ra nhiều sự cố môi trường…

Đặc biệt, các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng hơn. Bên cạnh việc làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu còn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, xói lở, sụt lún đất, mất nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, gây bức xúc trong dư luận…

Một góc nhà máy chế biến khoáng sản của Công ty Nuiphao Mining.

Riêng tại tỉnh Thái Nguyên, mặc dù được đánh giá là địa phương giàu tài nguyên khoáng sản với 23 mỏ than, 80 mỏ và điểm mỏ quặng sắt, 42 mỏ và điểm mỏ thiếc, chì, kẽm… nhưng nhìn chung trình độ khai thác, chế biến khoáng sản chậm đổi mới, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến môi trường…

Cũng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đã có một mô hình khai thác và chế biến khoáng sản theo phương thức bền vững và nâng cao giá trị tài nguyên bằng công nghệ hiện đại đó là mỏ Núi Pháo của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining – NPM) - thuộc Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một Công ty của Việt Nam đã dám đầu tư 500 triệu USD  để trở thành  một nhà sản xuất hóa chất vonfram giá trị gia tăng dòng trung và cao cấp hàng đầu thế giới. Các sản phẩm của NuiPhao Mining không phải nguyên liệu khoáng sản mà là vật liệu thiết yếu phục vụ cho các ngành công nghiệp hiện đại. 

Mỏ đa kim Núi Pháo được coi là mỏ phức hợp nhất thế giới với 4-5 dòng sản phẩm trên một thân quặng duy nhất. Trong khi rất nhiều mỏ khác trên thế giới thường chỉ tập trung vào 1-2 dòng sản phẩm chính thì NuiPhao Mining tập trung khai thác và chế biến cả 4 dòng sản phẩm bao gồm vonfram, fluorit, bismuth và đồng. Đây chính là thử thách đối với chủ đầu tư cũng như các chuyên gia trong ngành khai thác khoáng sản, đòi hỏi đầu tư lớn vào công nghệ và tài chính.

Moong khai thác kháng sản của Công ty Nuiphao Mining.

Trong bối cảnh hồi chuông cảnh báo về tỷ lệ thu hồi, thất thoát trong ngành chế biến khoáng sản tại Việt Nam, NuiPhao Mining đã chứng tỏ và khẳng định vị thế là mỏ vonfram có hiệu suất hàng đầu trên toàn cầu. Chỉ sau 3 năm chính thức đi vào hoạt động (từ 2014) cùng nỗ lực không ngừng trong áp dụng và cải tiến công nghệ, mỏ Núi Pháo đã sản xuất được 4 dòng sản phẩm với tỷ lệ thu hồi cao trong ngành (65%) và đang phấn đấu đạt kỷ lục top tỷ lệ thu hồi cao nhất trong ngành chế biến khoáng sản là 75% tại Việt nam và trên thế giới vào cuối năm 2017.

Nhờ vận hành chương trình bảo trì tập trung vào độ tin cậy NuiPhao Mining đã không ngừng cải thiện hiệu quả chi phí, độ tin cậy, thời gian chạy máy và giảm thiểu rủi ro. Nếu như thời gian chạy máy theo thiết kế và tiêu chuẩn công nghiệp đối với một nhà máy chế biến phức tạp là 90%, thì ở mỏ Núi Pháo đã có thể đạt được thời gian chạy máy tới 96% trong năm 2016, đồng thời tăng lượng cấp liệu tại máy nghiền từ 3,1 triệu tấn năm 2014 lên 3,6 triệu tấn năm 2016. 

Đáng lưu ý dù sản lượng khoáng sản khai thác, chế biến tăng nhưng lượng nước mặt sử dụng cho nhà máy chế biến được giảm thiểu hàng triệu lít mỗi năm, đưa tỷ lệ tái sử dụng nước tuần hoàn lên đến 90% như hiện nay. Đây chính là kết quả của công nghệ tái sử dụng nước tuần hoàn tại khu vực đập chứa đuôi quặng. Bên cạnh đó, việc cải tiến công nghệ cũng góp phần giảm 52% điện năng sử dụng đối với qui trình tuyển nổi, góp phần tiết kiệm 279kw điện năng tiêu thụ mỗi giờ…

Dẫn chúng tôi đi thăm mỏ Núi Pháo, ông Craig Bradshaw – Tổng giám đốc cho biết: Hiện nay NuiPhao Mining đang thực hành các tiêu chuẩn về khai thác, sản xuất khoáng sản bậc nhất trên thế giới, đưa Công ty trở thành nhà sản xuất chiếm 36% thị trường vonfram ngoài Trung Quốc. Để nâng cao giá trị tài nguyên, hiện nay Nhà máy chế biến khoáng sản của NuiPhao Mining sử dụng thiết bị công nghệ hàng đầu Châu Âu, có công suất chế biến 3,5 triệu tấn quặng/năm và sản xuất tinh quặng đồng, tinh quặng Vonfram trọng lực, tinh quặng Fluorspa cấp axit và Bismut tinh luyện. 

Trong hoạt động của mình, NuiPhao Mining cam kết thực hiện theo chuẩn mực của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và theo nguyên tắc “Xích đạo” – vốn được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong ngành công nghiệp khai khoáng… Để đảm bảo cho dự án phát triển bền vững, NuiPhao Miningđã đưa vào sử dụng công trình đập chứa đuôi quặng mỏ Núi Pháo. Công trình đập này đã được đầu tư thiết kế và xây dựng để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, bao gồm các tiêu chuẩn của Hiệp hội Đập Canada (CDA), Ủy ban quốc tế về Đập lớn (ICOLD), Uỷ ban Quốc gia Úc về Đập lớn (ANCOLD), Hiệp hội Thử nghiệm và Vật liệu Mỹ ("ASTM ") và Ngân hàng Thế giới…

Một trong những phương thức để nâng cao giá trị tài nguyên mà NuiPhao Mining đang áp dụng đó là gắn liền giá trị tài nguyên với lợi ích quốc gia, cộng đồng và người dân. NuiPhao Mininglà một trong số ít các doanh nghiệp khai khoáng duy trì được biên lợi nhuận cho các cổ đông trong bối cảnh sụt giảm giá thành sản phẩm trên toàn cầu, tạo ra chuỗi giá trị của dòng sản phẩm với lợi ích chia sẻ cho tất cả các bên liên quan. Hiện NuiPhao Mining sử dụnghơn 1000 lao động địa phương. 

Năm qua, NuiPhao Mining đã vượt lên các Công ty đa quốc gia hàng đầu như BHP Billiton hay Rio Tinto đạt kỷ lục trên 18 triệu giờ an toàn không gây mất ngày công. NuiPhao Mining đã đem lại việc làm và thu nhập vào hàng cao nhất trong ngành khoáng sản cho những người dân địa phương có đất bị thu hồi cho dự án, chiếm 56% tổng nhân sự của Công ty, trong đó có gần 20% là đồng bào thuộc 6 dân tộc thiểu số: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu. 

Chuỗi cung ứng địa phương bao gồm 6 doanh nghiệp và tổ hợp do chính Công ty thành lập, đào tạo chuyên môn và an toàn, hỗ trợ vận hành và tiêu thụ sản phẩm ngay từ khi Công ty chính thức đi vào sản xuất thương mại đã tạo việc làm ổn định cho hơn 100 lao động bị ảnh hưởng. Trong thực hiện nghĩa vụ đóng góp ngân sách với địa phương, NuiPhao Mining là một trong những doanh nghiệp khoáng sản đóng thuế lớn nhất Thái Nguyên với mức đóng góp hơn 600 tỷ đồng trong năm 2016. 

Với những hoạt động cụ thể, NuiPhao Mining đã chứng tỏ là một trong những doanh nghiệp khai khoáng hàng đầu trong việc nâng cao giá trị tài nguyên Việt Nam, lấy khoa học kỹ thuật làm động lực phát triển và dám cạnh tranh không chỉ trên thị trường trong nước mà cả thị trường quốc tế để tài nguyên thực sự trở thành tiềm lực kinh tế đóng góp vào sự phát triển chung của toàn xã hội.