04:08 19/04/2014

Nâng cao chất lượng lúa giống

Nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống, Mỹ đã công bố hàng loạt biện pháp thúc đẩy ngành năng lượng mặt trời và khuyến khích người dân tận dụng nguồn năng lượng xanh này.

Việc chọn được giống lúa tốt không chỉ là yếu tố góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hạt gạo mà còn giúp nhà nông tiết giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, người trồng lúa dường như vẫn chưa có cơ hội lựa chọn giống tốt mỗi khi vào vụ.


Chất lượng giống chưa đảm bảo


Những ngày này, nhà nông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ đông xuân và đang tất bật chuẩn bị xuống giống vụ mới. Theo thường lệ, nông dân khi thu hoạch vụ đông xuân thường có kế hoạch nhân giống cho vụ hè thu, thu đông và từ vụ hè thu nhân giống cho vụ đông xuân năm sau. “Không ít nhà nông vẫn giữ tập quán lấy lúa ăn làm lúa giống cho những mùa sau. Tuy nhiên, đây là điều không tốt vì chất lượng lúa gạo có giống từ lúa ăn khó đáp ứng được yêu cầu của thị trường, gây khó khăn trong tiêu thụ, đặc biệt là với thị trường xuất khẩu”, TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nhận định.

 

Chất lượng gạo tùy thuộc nhiều vào chất lượng lúa giống.
Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Theo khảo sát mạng lưới cung ứng giống lúa của các tỉnh ĐBSCL, hiện chỉ có một số ít tỉnh, thành như: An Giang, Cần Thơ… duy trì giống xác nhận chiếm tỷ lệ cao. Còn lại hầu hết các tỉnh, giống xác nhận cao được đưa vào gieo cấy chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ từ khoảng 35-40%.


Theo tính toán của Cục Trồng trọt, nếu đặt mục tiêu tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ở ĐBSCL đạt mức 50% thì mỗi năm, toàn vùng cần tới 210.000 tấn lúa giống. Khi triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhu cầu giống xác nhận của nhà nông, doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay việc đặt hàng, lựa chọn đơn vị sản xuất lúa giống vẫn là điều nan giải đối với nhà nông.


Có nhiều năm theo dõi, nghiên cứu về lúa gạo, TS Lê Văn Bảnh cho rằng, ĐBSCL đang sản xuất quá nhiều giống lúa, dẫn đến tình trạng có nhiều loại gạo được trộn lẫn vào nhau trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Ngoài ra, cơ cấu giống chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường khi vẫn còn nhiều giống chất lượng thấp vẫn được đưa vào gieo cấy. “Vì thế phải phân định từng vùng sản xuất sao cho mỗi địa phương chỉ gieo cấy một giống chủ lực; đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng hạt giống, củng cố phát triển nhân giống tốt từ hệ thống nông hộ nhằm nâng tỷ lệ nông dân sử dụng giống xác nhận lên 60 - 80%”, ông Bảnh cho biết thêm.


Chọn giống theo nhu cầu thị trường


Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng lớn trong các loại gạo xuất khẩu; tiếp theo là gạo cấp trung bình, gạo cấp thấp, gạo thơm… Dựa trên nhu cầu tiêu thụ của thị trường, nhà nông sẽ chọn nhóm giống lúa thơm - đặc sản như: Jasmine 85, Tài nguyên, nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao xuất khẩu như: OM 4900, VND 95-20… và nhóm giống lúa phẩm chất trung bình, thấp như IR 50404, OM 576... Ngoài ra, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang phải đối mặt với tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu, nhiễm mặn lan rộng, kéo dài và khô hạn cục bộ. Vì vậy, việc chọn tạo giống lúa còn phải tính đến yếu tố chống chịu mặn, hạn, năng suất cao, kháng sâu bệnh, phẩm chất gạo tốt, thích nghi cho vùng hai vụ lúa/năm hoặc vùng ba vụ lúa thâm canh…


Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ đang triển khai chương trình đầu tư phát triển khoa học công nghệ; dự án khuyến nông sản xuất giống lúa… Viện lúa ĐBSCL đang phối hợp với các đơn vị thực hiện những đề tài chọn tạo giống lúa. Trên cơ sở đó, Bộ thống nhất thành lập ban chỉ đạo điều hành sản xuất lúa gạo, đẩy mạnh thực hiện cánh đồng lớn, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo… Mục tiêu của Bộ là chủ động nâng cao chất lượng, giá trị trong đề án tái cấu trúc sản xuất ngành nông nghiệp; trong đó, sản xuất lúa sẽ là bước đi tiên phong. Do đó, vấn đề “đầu vào” mà quan trọng là giống lúa sẽ được ngành nông nghiệp quan tâm đầu tư trong thời gian tới.


Lê Nghĩa