03:10 26/03/2015

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Hạ tầng, sản phẩm du lịch huyện Mộc Châu (Sơn La) yếu kém, chưa phong phú, đa dạng các loại hình, đã ảnh hưởng đến việc phát huy tiềm năng của địa phương. Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho tỉnh Sơn La là phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Hạ tầng, sản phẩm du lịch huyện Mộc Châu (Sơn La) yếu kém, chưa phong phú, đa dạng các loại hình, đã ảnh hưởng đến việc phát huy tiềm năng của địa phương. Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho tỉnh Sơn La là phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Đào tạo nguồn nhân lực

Du lịch Sơn La mới phát triển sơ khai trong thế cạnh tranh rất lớn của cả nước cũng như khu vực và quốc tế, cơ sơ hạ tầng du lịch yếu kém, phần lớn là do người dân tự phát làm. Nếu du lịch Sơn La không có những “bứt phá” thì tình trạng “yếu thế” trong phát triển so với một số địa phương khác sẽ còn tiếp diễn, ảnh hưởng đến vị trí của du lịch Sơn La trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như trong chiến lược phát triển du lịch vùng Tây Bắc.

Văn hóa lễ hội của đồng bào các dân tộc Mộc Châu được bảo tồn, phát huy, thu hút khách tham quan.


ÔngTrần Xuân Việt, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Mộc Châu cho biết: “Một trong những thách thức lớn nhất đối với việc phát triển du lịch của tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mộc Châu nói riêng là nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số lượng, lẫn trình độ quản lý, nghiệp vụ. Trong khi đó, ngành du lịch ngày càng đòi hỏi đội ngũ lao động phải giỏi và chuyên nghiệp, khi khách đến phải làm họ hài lòng, khi khách đi gây ấn tượng tốt để lần sau du khách quay lại. Các đơn vị, cá nhân, gia đình khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực du lịch phải bền vững, không mang tính chộp giật”.

Theo ông Việt, những năm vừa qua, huyện Mộc Châu đã quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ nhân lực làm du lịch, mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức các lớp bồi dưỡng cho người làm du lịch trên địa bàn huyện đi học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương. Năm 2014, huyện Mộc Châu mở được 6 lớp cho 160 học viên học nghiệp vụ du lịch, đưa 20 người của các nhà hàng và khách sạn về Hà Nội học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, dân số tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 70%), mặc dù tạo ra sự đa dạng về văn hóa, song trình độ dân trí thấp là trở ngại lớn về mặt văn hóa, xã hội trong quá trình phát triển du lịch, đặc biệt là chất lượng dịch vụ.

Huyện Mộc Châu hiện có khoảng 40 mô hình kinh doanh du lịch cộng đồng. Mùa du lịch, mỗi tháng trừ chi phí, trung bình một gia đình thu về 20 triệu đồng. Các thành viên tham gia câu lạc bộ, được trả công khoảng trên 4.000.000 đồng.

Bà Lữ Thị Huyền Mai ở bản Áng 2, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) là người làm mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở huyện. Năm 2008, chị Mai thành lập Câu lạc bộ du lịch tuổi trẻ Hoa Ban và tuyển chọn các bạn trẻ trong bản, hướng dẫn họ cách bảo tồn văn hóa Thái, xây dựng đội múa xòe, hướng dẫn cách nấu các món ăn dân tộc, dạy cách đón tiếp… Du khách đến với mô hình du lịch cộng đồng của chị Mai ngày một nhiều, họ thức khuya xòe, hát hò nên các hộ xung quanh phản ứng. “Năm 2009, gia đình tôi vay mượn dựng, ngôi nhà sàn để tổ chức đón khách, được hai năm sau bị người dân đốt cháy. Tôi nghĩ con đường phát triển du lịch của mình bị tắt, nhưng với lòng đam mê, muốn gìn giữ và giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Thái, nên gia đình tôi cố gắng vay mượn làm lại. Tôi vận động các gia đình. Thấy hợp lý, họ học để làm theo, đón khách ăn uống, nghỉ và sinh hoạt văn nghệ tại chỗ”, bà Mai tâm sự.

Một số hộ dân mong muốn, huyện và tỉnh hỗ trợ mở nhiều lớp dạy nghiệp vụ du lịch để người dân tham gia, gây dựng phong trào người người và nhà nhà làm du lịch. Chính quyền huyện Mộc Châu đứng ra tổ chức cho các hộ làm du lịch cộng đồng tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều khu du lịch trong cả nước.

Giữ gìn không gian văn hóa du lịch

Sự phát triển đô thị, đặc biệt là xây dựng, các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng, resort, các khu vui chơi giải trí không theo định hướng, quy hoạch đã làm phá vỡ cảnh quan vốn có của Mộc Châu, tạo nên thách thức không nhỏ đối với hoạt động phát triển du lịch của địa phương. Du lịch phát triển ồ ạt, mạnh ai nấy làm, kéo theo sự xuống cấp của môi trường, của nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa và suy giảm đa dạng sinh học…

Công ty chè Ligarden Việt Nam ngoài mục đích sản xuất nhập khẩu chè khô, thu lợi nhuận, còn xây dựng đồi chè hình trái tim, đồi chè vân tay, đồi chè lượn sóng... Đây là điểm đến tham quan lý tưởng của du khách. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành công ty ông Phạm Văn Sơn cho biết: “Người dân sống quanh đồi chè và một số khách tham quan không có ý thức bảo vệ môi trường, đổ và xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm, ảnh hưởng mỹ quan, do vậy các dòng suối cũng bị ô nhiễm”. Thời gian tới, Công ty Ligarden Việt Nam sẽ quy hoạch lại đồi chè, trồng thêm vườn hoa, làm bãi đỗ xe, pha trà đặc sản phục vụ khách và thu vé làm phúc lợi xã hội.

Trao đổi về vấn đề giữ gìn không gian văn hóa du lịch, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho rằng: “Chính quyền các cấp và ngành liên quan cần gắn kết việc giữ gìn, phát huy di sản văn hóa, với việc xây dựng, giữ gìn môi trường sinh thái văn hóa, đời sống văn hóa cộng đồng làng bản; đưa việc gìn giữ di sản văn hóa vào trong các hương ước, quy ước để người dân cùng thực hiện, đảm bảo về đời sống kinh tế cho người dân. Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phải được phối hợp chặt chẽ với việc phát triển du lịch bền vững”. Những năm qua, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Sơn La đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Các di tích lịch sử, điểm danh lam thắng cảnh, không gian văn hóa cộng đồng bản làng, các lễ hội... được tỉnh đầu tư xây dựng, trùng tu, khôi phục và bảo vệ. Văn hóa phong phú, đa sắc màu là điểm lôi cuốn, gây ấn tượng cho du khách đến tham quan. Thiên nhiên và bàn tay lao động của con người đã tạo lên Mộc Châu có một nét riêng, không pha trộn, như nàng “sơn nữ” lung linh giữa đại ngàn.

Bài và ảnh: VH