09:11 27/09/2012

Nan giải tình trạng sống chung với chất độc

Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước đã phát hiện 1.153 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, gồm 289 kho lưu giữ và 864 khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 38 tỉnh, thành phố.

Theo kết quả điều tra, thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện cả nước đã phát hiện 1.153 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, gồm 289 kho lưu giữ và 864 khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 38 tỉnh, thành phố.


Nỗi lo từ các điểm tồn lưu hóa chất


Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An có số lượng các kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu lớn nhất trong cả nước với 913 điểm từ thời kỳ chiến tranh và bao cấp để lại. Trong đó có 177 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đáng lo ngại là thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất hữu cơ có độc tố cao, khó phân hủy sinh học, có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt hoặc tiềm tàng trong không khí, thức ăn, nước uống sinh hoạt hàng ngày, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.


Xử lý tiêu hủy hóa chất bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc.


Ông Nguyễn Xuân Hải, 62 tuổi đang sinh sống gần điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật Hòn Trơ, xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu cho biết: Kho thuốc bảo vệ thực vật này có từ những năm 1975 - 1976 và tồn tại trong khoảng 15 năm. Do nhà chỉ cách kho thuốc khoảng gần 500 m nên những năm trước đây gia đình ông Hải thường xuyên phải hứng chịu mùi thuốc bảo vệ thực vật.


Cả nhà chỉ dùng nước mưa ăn uống chứ không dám sử dụng nước giếng. Những năm gần đây nhờ việc trồng cây cải tạo đất nên mùi thuốc đã bớt đi. Nhưng khu vực này mới chỉ được tiến hành xử lý sơ bộ nên cũng chưa thực sự an tâm. Gia đình chưa có điều kiện để khám sức khỏe thường xuyên nên cũng không biết chính xác là bị ảnh hưởng nặng hay nhẹ.


Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Kim Liên, huyện Nam Đàn: Cả xã có 2 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật là Nhà máy sản xuất thuốc bảo vệ và Kho đựng thuốc bảo vệ thực vật, đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sinh sống quanh khu vực này. Một số gia đình lo ngại phải sống tại những điểm ô nhiễm hóa chất nên buộc phải chuyển đi nơi khác. Không riêng Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có tới 31 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, hầu hết từ thời chiến tranh. Trong đó có 2 khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng là khu vực xung quanh kho thuốc bảo vệ thực vật tại thôn Bảo Lộc, xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà và thôn Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc.


Chị Nguyễn Thị Hồng sống gần kho thuốc bảo vệ thực vật trước kia đặt tại thôn Bảo Lộc, xã Thạch Lưu, huyện Thạch Hà than thở: Mặc dù kho thuốc này đã được thu gom cố định trong hầm xi măng để hạn chế sự phát tán của hóa chất ra môi trường, nhưng do đã bị vỡ từ lâu nên thuốc vẫn ngấm ra ngoài, mùi rất khó chịu. Những năm trước gia đình chị còn sử dụng giếng đào phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nhưng giờ chỉ để tưới cây. Sự lo lắng hiện trên khuôn mặt chị Hồng khi nhắc đến bác Thắng (48 tuổi) ở ngay sát nhà chị vừa mới phát hiện bị ung thư thanh quản, không biết có phải do ảnh hưởng từ kho thuốc bảo vệ thực vật này không?


Qua phân tích mẫu đất tại 59/289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và khu vực xung quanh kho chứa do Tổng cục Môi trường tiến hành, hàm lượng Lindan vượt từ 3 đến 1.025,9 lần, hàm lượng DDT vượt từ 5 đến 20.500 lần so với QCVN 15:2008/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Còn tại 267/864 khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho thấy hàm lượng DDT vượt QCVN 15:2008/BTNMT dao động từ 1 đến 14.438,7 lần.


Rất cần những giải pháp


Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra, ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1964/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo đó, từ năm 2010 đến 2015 tập trung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 240 điểm tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của 15 tỉnh, thành phố. Từ năm 2016 đến 2025, tiếp tục điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 95 điểm tồn lưu còn lại của 9 tỉnh, thành phố.


Mới đây, trong Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 2/9/2012 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 cũng đã đưa mục tiêu xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra. Đây là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc xử lý, phục hồi môi trường tại các khu vực môi trường bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật gây ra đang ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng và cả thế hệ mai sau.


Song đến thời điểm này, một số địa phương vẫn gặp phải khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, như lựa chọn phương án và công nghệ xử lý phù hợp đối với từng điểm ô nhiễm; kinh phí xử lý các điểm ô nhiễm rất lớn nên ngân sách tỉnh không đủ đáp ứng…



Thanh Tuấn