10:14 17/10/2010

Nan giải điều chỉnh viện phí

Đáp lại ý định tăng viện phí là rất nhiều phản hồi trái chiều, thậm chí tiêu cực.

Tuy nhiên, vấn đề quan tâm của người dân, đó là viện phí tăng thì chất lượng dịch vụ y tế có tăng không, vẫn còn là câu hỏi đang bỏ ngỏ.

Đòi hỏi chính đáng- tăng chất lượng

Theo lập luận của đại diện ngành y tế, việc điều chỉnh viện phí lần này là rất cần thiết vì có rất nhiều dịch vụ kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở của những phương pháp thủ công từ năm 1995.

“So với khung giá ban hành kèm theo Thông tư 14 ngày 30/9/1995, không phải tất cả dịch vụ kỹ thuật y tế đều dự kiến điều chỉnh tăng giá 7-10 lần như một số báo đã nêu”, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế “đính chính”.

Ông Quang cũng cho biết, Bộ Y tế điều chỉnh viện phí lần này tập trung vào khung giá của các dịch vụ kỹ thuật đã được ban hành từ năm 1995 cho phù hợp với tình hình thực tế (khoảng 350 dịch vụ trong tổng số 3.000 dịch vụ mà các bệnh viện đang thực hiện).

Cụ thể, dự kiến khoảng 220 dịch vụ kỹ thuật sử dụng ít vật tư, hóa chất, điện nước, chủ yếu là do công sức của cán bộ y tế thực hiện (các dịch vụ về y học dân tộc, châm cứu…) sẽ có mức tăng rất thấp, tối đa là 2,5 lần so với hiện nay; khoảng 60 dịch vụ kỹ thuật dự kiến mức tăng tối đa từ 2,5- 5 lần; khoảng 70 dịch vụ kỹ thuật sử dụng nhiều thuốc, vật tư, hóa chất, điện nước… thì mức tăng tối đa khoảng 7 - 10 lần.

Bởi vì, mức phí quy định tại Thông tư 14 là thu một phần, có dịch vụ chỉ bằng 20 - 30% tổng các chi phí tại thời điểm năm 1995 (khi đó, ngân sách cấp ngoài lương còn có thể chi cho tiền điện, nước, mua vật tư, hóa chất nên các bệnh viện vẫn hoạt động được), đến nay phải tính các chi phí trực tiếp này thì khung giá dịch vụ sẽ tăng.

“Riêng tiền khám bệnh có mức tăng gấp 10 lần, là do quy định tại Thông tư 14 chỉ quy định từ 500 - 3.000 đồng/lần khám, trong khi đó, theo tính toán với giá điện, nước, găng tay, khẩu trang và các chi phí khác phục vụ khám bệnh hiện nay thì chi phí hết khoảng 10.000 - 30.000 đồng/lần khám, tùy vào chuyên khoa và hạng bệnh viện. Do vậy, tiền khám bệnh dự kiến điều chỉnh tối đa là 30.000 đồng/lần khám, tại tuyến huyện, xã sẽ thấp hơn, khoảng 10.000 - 15.000 đồng/lần khám.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ quy định cụ thể về mức khám bệnh cho một phòng khám hoặc 1 bác sĩ khám để đảm bảo chất lượng khám bệnh”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Đối với việc dự kiến mức tăng khá cao tiền ngày giường điều trị (trước đây từ 4.000 - 18.000 đồng đối với bệnh viện hạng I, từ 2.500 - 16.000 đồng đối với bệnh viện hạng II thì nay dự kiến được điều chỉnh lên 10.000 - 100.000 đồng/giường nằm điều trị/ngày). Đại diện Bộ Y tế giải thích rằng, tăng như vậy mới có thể bù đắp được các chi phí trực tiếp như điện, nước, chăn, ga, gối, đệm, bông băng, cồn gạc, vệ sinh… Hiện nay, khung giá dự kiến tăng cao nhất là ngày giường điều trị ngoại khoa sau các phẫu thuật đặc biệt, bỏng độ 3,4 trên 70% diện tích cơ thể, là 150.000 đồng (tăng khoảng 8 lần), do phải theo dõi, chăm sóc đặc biệt, sử dụng điều hòa 24/24, chạy máy thở…

Giảm viện phí cho bệnh nhân nằm ghép?

Ông Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế khẳng định: “Chất lượng dịch vụ y tế phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế, buồng bệnh, trang thiết bị y tế, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, sự hợp tác của người bệnh và người nhà. Do vậy, khó có thể bằng một giải pháp mà có thể cải thiện ngay việc có đủ nhân viên y tế, hạn chế sự quá tải… Hy vọng, cùng với sự điều chỉnh giá viện phí của một số loại dịch vụ, các bệnh viện sẽ có thêm một phần kinh phí để đảm bảo tốt hơn các hoạt động và thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên. Từ đó, sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”.

Mặt khác, việc xây dựng dự thảo điều chỉnh viện phí theo hướng tăng lần này vẫn thực hiện theo nguyên tắc thu một phần chi phí, chưa tính tiền lương, khấu hao nên không dùng nguồn thu này để đầu tư cho bệnh viện. Điều này cũng có nghĩa, dù viện phí có điều chỉnh tăng thì cảnh bệnh nhân phải nằm ghép 2 - 3 người/giường bệnh sẽ vẫn diễn ra.

Điểm mới duy nhất mà các nhà xây dựng chính sách “bật mí”, đó là việc xây dựng điều chỉnh giá viện phí theo hướng tăng lần này sẽ tính tới chuyện giảm viện phí cho những bệnh nhân phải nằm ghép.

Để góp phần giải quyết khó khăn cho người nghèo (cùng chi trả 5% viện phí), Bộ Y tế cũng đã và đang phối hợp với các bộ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, đồng thời chỉ đạo các bệnh viện trích một tỷ lệ nhất định từ nguồn thu của bệnh viện để lập Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, hỗ trợ cho người bệnh không có đủ khả năng cùng chi trả tiền viện phí.