05:06 27/05/2014

Nan giải bóng đá nữ

Thay đổi đang là yêu cầu đặt ra đối với bóng đá nữ Việt Nam, sau thất bại của đội tuyển quốc gia trong cuộc đua giành vé tham dự vòng chung kết World Cup 2015. Nhưng thay đổi như thế nào, lại là vấn đề không đơn giản.

Thay đổi đang là yêu cầu đặt ra đối với bóng đá nữ Việt Nam, sau thất bại của đội tuyển quốc gia trong cuộc đua giành vé tham dự vòng chung kết World Cup 2015. Nhưng thay đổi như thế nào, lại là vấn đề không đơn giản.

 

Chờ đợi cuộc chuyển giao


Sau cú ngã của các nữ tuyển thủ Việt Nam trong trận play-off với Thái Lan tại VCK Asian Cup 2014, không ít ý kiến đã đề cập đến tương lai của HLV Trần Vân Phát, cho rằng nên có sự thay đổi khi chuyên gia người Trung Quốc đã “hết bài”. Ngay chính HLV Trần Vân Phát cũng rất thẳng thắn tuyên bố có thể sẽ không gắn bó với bóng đá Việt Nam nữa, khi hợp đồng giữa ông với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hết hạn trong tháng 6 tới.

 

Nhiều nữ tuyển thủ Việt Nam đang bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp. Ảnh: zimbio


Với thực tế là bản hợp đồng của HLV Trần Vân Phát không được gia hạn sau SEA Games 27, nơi các cô gái Việt Nam cũng đã “về nhì” so với Thái Lan, có thể hiểu cả HLV Trần Vân Phát và VFF đều chờ đợi sự kết thúc của Asian Cup 2014 để đưa ra quyết định cuối cùng. Giờ đây, khi mục tiêu World Cup đã không được hoàn thành, sự ra đi của HLV Trần Vân Phát là điều rất dễ xảy ra và không bất ngờ.


Sáu năm lăn lộn tại Việt Nam, nụ cười cũng có mà nước mắt cũng nhiều, hơn ai hết, HLV Trần Vân Phát hiểu rất rõ thực trạng của bóng đá nữ, cũng như nền bóng đá Việt Nam nói chung. Bất chấp những hạn chế về rào cản ngôn ngữ, HLV Trần Vân Phát luôn có thái độ làm việc nghiêm túc, kỷ luật và đánh giá trung thực, khách quan về năng lực của các cầu thủ nữ Việt Nam. Đó là những điều đáng tiếc nếu HLV Trần Vân Phát dứt áo ra đi.


Nhưng dù HLV Trần Vân Phát có được thay thế hay là không, một thực tế dễ nhận thấy là Asian Cup 2014 đã đánh dấu thời điểm cần thiết phải chuyển giao thế hệ cầu thủ bóng đá nữ Việt Nam. Ở tuổi 30, đội trưởng Lê Thị Thương đã bộc lộ sự xuống sức ở giải đấu vừa qua. Một hình ảnh tương phản rõ nét là khi Thương mờ nhạt và rời sân nhường chỗ cho Nguyễn Thị Tuyết Dung ở trận gặp Thái Lan, tiền vệ 21 tuổi của Hà Nam sau đó đã ghi một bàn thắng rất đẹp.


Trên hàng công, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (28 tuổi) cũng cho thấy sự chậm chạp và nặng nề, trái ngược với Lê Thu Thanh Hương (23 tuổi), hay tiền đạo dự bị Nguyễn Thị Nguyệt (22 tuổi). Thanh Hương ghi được 2 bàn tại giải (vào lưới Jordan), Minh Nguyệt thì không bàn nào. Một số vị trí khác của đội tuyển nữ Việt Nam cũng đang phần nhiều thi đấu dựa vào kinh nghiệm, như thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh (29 tuổi), Nguyễn Thị Ngọc Anh (29), Trần Thị Kim Hồng (29)…


“Cái khó bó cái khôn”


Cơ hội lịch sử trôi qua càng khiến bóng đá nữ Việt Nam nhìn thấy rõ hơn những điểm yếu của mình. Nhiều ý kiến đã nói về sự thua kém của Việt Nam so với đối thủ Thái Lan, từ sức mạnh thể lực, tâm lý, kỹ - chiến thuật, cho tới quá trình chuẩn bị. Mặc dù vậy, nếu nói Thái Lan đã vươn hẳn tầm so với Việt Nam cũng không đúng. Họ cũng đã run rẩy trước sức ép từ Việt Nam ở hiệp 2 trận đấu tại sân Thống Nhất. Nếu không có bàn thắng thứ 2 may mắn của Sung Ngoen, nếu cú sút ở phút bù giờ của Nguyễn Thị Muôn không bay sượt qua khung thành mà là vào lưới, chưa biết chuyện gì đã xảy ra.


Vượt trội hơn hẳn thì chỉ có Nhật Bản, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc - 4 đội lần lượt dẫn đầu Asian Cup 2014, cũng là những đội giành vé trực tiếp tới VCK World Cup 2015. Còn Thái Lan, họ cũng đã thua rất đậm trước Trung Quốc (0-7) và Hàn Quốc (0-4) tại vòng bảng. Nói cách khác, giữa bóng đá nữ Đông Nam Á và châu Á vẫn là một khoảng cách lớn. Thu hẹp khoảng cách này mới chính là thách thức, nếu Đông Nam Á muốn thẳng thừng cạnh tranh suất tới World Cup, thay vì chờ đợi vận may tới từ sự vắng mặt của CHDCND Triều Tiên.


Tuy nhiên, với Việt Nam, theo Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, để nâng cao chất lượng bóng đá nữ là điều không dễ. Nền tảng của đội tuyển quốc gia là giải vô địch quốc gia, trong khi giải đấu này hiện chỉ tồn tại 6 CLB, đến từ 5 địa phương. Không chỉ thiếu sự cạnh tranh, sức hút của giải cũng không có. Suốt lượt đi của mùa giải 2014 diễn ra trên sân Thống Nhất, ngoài HLV Trần Vân Phát và các cộng sự tới kiểm tra năng lực của các tuyển thủ, rất ít khán giả tới sân vì tính hấp dẫn của giải đấu.


Điều này cũng không có gì lạ. Ngay cả bóng đá nam đã khoác chiếc áo chuyên nghiệp kể từ năm 2000, nhưng đến bây giờ vẫn đang loay hoay tìm mô hình phát triển bền vững. Rất nhiều đội bóng đã phải giải thể trong thời gian gần đây vì sự rút lui của các doanh nghiệp tài trợ và tình trạng sân bãi vắng khán giả là phổ biến. Việc kêu gọi đầu tư và nâng chất lượng giải vô địch bóng đá nam còn khó, nói gì tới bóng đá nữ.


Đây đang là bài toán hóc búa đối với lãnh đạo VFF, cũng như đối với người sắp tới có thể tiếp quản công việc của HLV Trần Vân Phát.

 

Theo kế hoạch, giải vô địch bóng đá nữ quốc gia 2014 sẽ khởi tranh lượt về vào ngày 18/7 và sẽ kết thúc ngày 2/8, tại sân Nha Trang (Khánh Hòa). Đây là một bước chuẩn bị của các tuyển thủ nữ Việt Nam cho giải vô địch Đông Nam Á 2014 tại Thái Lan (dự kiến trong tháng 8).

Bảo An