05:15 16/05/2011

Nan giải bài toán giao thông công cộng - "Bó tay" đường sắt đô thị, đường thủy

Ùn tắc giao thông đang trở thành vấn đề bức xúc tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Một trong những giải pháp được cho là có thể cải thiện tình trạng này là phát triển giao thông công cộng.

Ùn tắc giao thông đang trở thành vấn đề bức xúc tại các thành phố lớn, đặc biệt là tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Một trong những giải pháp được cho là có thể cải thiện tình trạng này là phát triển giao thông công cộng. Tuy nhiên, những khó khăn như: Dự án đường sắt đô thị không kịp hoàn thành, vận tải đường thủy còn chờ quy hoạch, đang khiến bài toán giao thông công cộng tại các thành phố lớn trở nên khó giải quyết.

Từ nay đến năm 2015, phương tiện giao thông công cộng chủ yếu vẫn là xe buýt. Ảnh: Lê phú

"Từ nay đến 2015, chưa thể có tuyến đường sắt đô thị nào được hoàn thành và đưa vào sử dụng". Đây là khẳng định của lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội tại buổi trình bày về kế hoạch phát triển giao thông Hà Nội đến năm 2015 mới đây.

Báo cáo của Ban Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho thấy việc triển khai các dự án đang gặp rất nhiều khó khăn: Về nhân lực, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, công nghệ thi công... Tại buổi làm việc với ban này cuối tháng 4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu phải tập trung hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2016; hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo trong năm 2017... Đây là vấn đề cấp bách bởi đây là tuyến đường có mật độ giao thông cao.

Trong kế hoạch phát triển GTVT Hà Nội, về lâu dài, để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như giảm tai nạn và ùn tắc giao thông phải phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng vận tải đường sắt. Đến thời điểm này, trong nhiều dự án đường sắt đi nổi, ngầm đã có 2 dự án đang được triển khai là dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. Vấn đề đặt ra là ngay từ bây giờ phải tính toán việc xây dựng các nhà ga đường sắt sắp có kết nối đồng bộ với vận tải hành khách công cộng bằng đường bộ.

Ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, giai đoạn 2016 - 2017, thành phố sẽ có vận tải hành khách công cộng bằng xe điện. Nên ngay từ bây giờ phải tính tới việc sử dụng hiệu quả hệ thống này. Đặc biệt là giá vé. Nếu giá vé cao không thu hút được người dân, nhưng nếu thấp quá thì thành phố sẽ phải trợ giá nhiều. Với các tuyến buýt nội đô hiện có, mỗi năm thành phố đã phải trợ giá hàng trăm tỷ đồng.

Về vận tải đường thủy, Sở GTVT cho biết việc lập và phê duyệt Quy hoạch vận tải thủy của thành phố dự kiến đến năm 2012 mới được triển khai. Cùng với đó sẽ song song triển khai quy hoạch chi tiết cụm, cảng Sơn Tây, cảng Hà Nội (bao gồm cả cảng hành khách), cảng Thanh Trì.

Có quy hoạch rồi mới đầu tư xây dựng và mở rộng các cụm cảng Sơn Tây, cụm cảng Hà Nội, cụm cảng Thanh Trì và cảng Phù Đổng, cảng Hồng Vân... Đầu tư cải tạo, mở rộng theo quy hoạch một số cảng thủy nội địa quan trọng và một số bến phà qua sông nhằm thúc đẩy phát triển vận tải thủy trong những năm tới và khai thác tiềm năng thế mạnh về vận tải thủy trên các sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Tích, sông Đáy.

Như thế, bộ mặt hạ tầng giao thông Hà Nội ít nhất trong 5 năm tới sẽ không có "bước ngoặt" nào, nếu không muốn nói là dậm chân tại chỗ. Trong khi đó, cùng thời gian ấy, tốc độ tăng trưởng phương tiện thì không ngừng tăng. Nhìn vào bức tranh giao thông Thủ đô 5 năm tới mà Sở GTVT Hà Nội lập kế hoạch, so với tốc độ tăng trưởng phương tiện, việc ùn tắc giao thông sẽ vẫn tiếp diễn.

Võ Hải - Xuân Minh - Sĩ Dũng