11:10 26/11/2012

Namdaemun hồi sinh

Năm năm trước, khi xem trên tivi cảnh cổng thành Namdaemun, một trong những di sản văn hóa lâu năm nhất của Hàn Quốc, bị ngập chìm trong lửa, ông Hong Chang-Won đã phải quay mặt đi vì xót xa.

Năm năm trước, khi xem trên tivi cảnh cổng thành Namdaemun, một trong những di sản văn hóa lâu năm nhất của Hàn Quốc, bị ngập chìm trong lửa, ông Hong Chang-Won đã phải quay mặt đi vì xót xa.


"Thật là đau xót khi một công trình nghệ thuật đẹp như vậy bị thiêu trụi", ông Hong, một chuyên gia trong lĩnh vực vẽ trang trí truyền thống của Hàn Quốc cho biết.


 

Công việc khôi phục lại cổng thành Namdaemun đã bước vào giai đoạn cuối cùng. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Namdaemun, có nghĩa là Cổng thành phía nam, là công trình kiến trúc bằng gỗ đồ sộ đã có 600 năm tuổi đời và được xem là Di sản quốc gia số 1 của Hàn Quốc. Niềm tự hào của nền văn hóa Hàn Quốc đã “sống sót” qua cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953, nhưng thật đáng tiếc đã không thể trụ được trước bàn tay của một kẻ phá hoại. Ngày 10/2/2008, một người đàn ông bất mãn, 69 tuổi, đổ sơn dầu vào Namdaemun và châm lửa đốt, khiến Cổng thành phía nam gần như biến mất hoàn toàn.


Gần 5 năm sau, trong một dự án khôi phục có thời gian dài nhất và chi phi lớn nhất do chính phủ Hàn Quốc chủ trì và huy động nhiều thợ thủ công tay nghề cao như Hong, Namdaemun chuẩn bị xuất hiện trở lại. Theo dự kiến, công việc khôi phục công trình sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12 này.


Với kinh phí của dự án lên tới 25 tỉ won (22,7 triệu USD), Ủy ban Di sản Văn hóa Hàn Quốc yêu cầu công việc khôi phục phải giống với nguyên mẫu nhất có thể.
Ông Cho Kyu-Hyung, người phụ trách công tác khôi phục Di sản Namdaemun cho biết: “Đó là công việc hết sức khó khăn, song chúng tôi đã cố gắng hết sức và ưu tiên ở mức cao nhất việc sử dụng vật liệu và phương pháp truyền thống. Công trình này không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là niềm tự hào của tất cả người dân Hàn Quốc”.


Các sử gia và thợ thủ công có tay nghề tham gia công việc khôi phục di sản này đã được tham khảo những tài liệu từ nhiều thế kỷ trước, cũng như bản thiết kế năm 1963 khi chính phủ cho dỡ xuống để phục vụ công tác sửa chữa.


Ông Cho tiết lộ: “Công cụ hiện đại duy nhất mà chúng tôi sử dụng là xe tải để chuyên chở các trụ đá và cột gỗ, còn lại mọi thứ đều được thực hiện bằng các kỹ thuật gốc”. Theo đó, những chiếc đinh được tạo ra bằng cách nấu thép chảy ra và rót vào một chiếc khuôn đặc biệt, trong khi 22.000 viên ngói lợp cổng đều được làm thủ công. Hàng trăm thanh gỗ thông đã được cắt và để khô tự nhiên, quá trình phải mất vài năm, trong khi đó công việc khai thác đá vẫn được cắt và đẽo thủ công bằng các công cụ truyền thống.


Tuy nhiên, ve màu dùng để vẽ trang trí cho công trình lại phải nhập khẩu từ Nhật Bản, do ve màu ở Nhật Bản không dùng hóa chất và đã trở thành một nghệ thuật, trong khi ở Hàn Quốc đã từ lâu không còn duy trì được kỹ thuật này.


Sáu chuyên gia hàng đầu về nghề thủ công đá, gỗ, mái ngói và vẽ trang trí đã được mời tham gia dự án này. Theo ông Cho, các chuyên gia này đều có thâm niên hơn 40 năm trong nghề. Sau khi các chuyên gia phụ trách phần vẽ mẫu, đội của ông Hong sẽ thực hiện các công việc còn lại.


Ông Hong cho biết: “Chúng tôi cố gắng khôi phục màu sắc và kiểu dáng như lúc ban đầu. Mới nhìn thoáng qua, công trình Namdaemun mới được khôi phục lại này có màu sắc kém hơn, song cùng với thời gian nó sẽ trở nên giống như khuôn mẫu cũ”.


Lê Hải (Theo AFP)