04:09 03/04/2011

“Nam Phương Hoàng hậu” viết sách

Đối với khán giả sân khấu và phim ảnh, nhất là gần đây qua nhân vật Nam Phương Hoàng hậu trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Ngọn nến Hoàng cung”, Yến Chi đã là một gương mặt gây được sự chú ý với nhiều thiện cảm.

Đối với khán giả sân khấu và phim ảnh, nhất là gần đây qua nhân vật Nam Phương Hoàng hậu trong bộ phim truyền hình nhiều tập “Ngọn nến Hoàng cung”, Yến Chi đã là một gương mặt gây được sự chú ý với nhiều thiện cảm. Nhưng việc Yến Chi là tác giả một cuốn sách viết về kịch Mỹ “Nghệ thuật biên kịch Arthur Miller” thì không phải ai cũng biết.

Yến Chi vai Nam Phương Hoàng hậu

Từ người bán chuột đến bà Hoàng...

Các vai diễn Yến Chi đã tham gia trong lĩnh vực điện ảnh là Thị Mịch trong “Giông tố”, Duyên trong “Mảnh đất tình đời”, người đàn bà buôn chuột trong “Vào đời”, Nam Phương Hoàng Hậu trong “Ngọn nến Hoàng cung”. Theo đạo diễn Quốc Hưng, Yến Chi là diễn viên có phong cách làm việc rất chuyên nghiệp và chuẩn mực. Chị cho biết: “Tôi thích vai Nam Phương Hoàng hậu bởi nhân vật là một phụ nữ thông minh, đức hạnh, ý thức rất rõ vị trí là ẩn sau lưng người chồng Hoàng đế, song bà đã giúp ông có được thái độ đúng đắn trong những khoảnh khắc quyết định. Về tình cảm, dù ở đỉnh cao quyền lực, bà dường như ít có hạnh phúc riêng”…

Yến Chi cho biết chị vốn không hề quen biết đạo diễn Quốc Hưng: “Trước đây, không biết ai đã giới thiệu, anh đến mời tôi đóng vai một phụ nữ chuyên nghề bán chuột trong bộ phim đầu tay “Vào đời”, và sau đó là vai Nam Phương Hoàng hậu. Hai vai này, một ở tận đáy xã hội, một ở đỉnh cao quyền lực, kể ra cũng thật thú vị”. Yến Chi có quan niệm: “Diễn viên được đào tạo cần phải biết xử lý kịch bản, xử lý hình thể, tiếng nói... Có vun trồng cho cây tốt mới mong hái quả ngon, nếu cứ thúc ép, vội vã thì chỉ thu hoạch được những quả non, mà còn có ngày cả cây cũng sẽ không còn sức để sống”.

... và viết sách

Từ nhiều năm qua, công việc thường xuyên hơn của Yến Chi là giảng dạy về biểu diễn và đạo diễn tại trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai công việc: trực tiếp đứng trên sàn diễn hay trước ống kính phim trường, hoặc gián tiếp chỉ đạo học viên sáng tạo, đều thiên nhiều về tư duy sáng tạo, tư duy hình tượng. Có lẽ vì thế mà chuyên luận sân khấu “Nghệ thuật biên kịch Arthur Miller” đã đem lại cho người đọc một cảm giác mới mẻ đối với chị. Bởi vì ở đây chị đã phải vận dụng đến một khả năng khác, đó là tư duy lý luận, tư duy khái niệm nhiều hơn là sự bay bổng của trí tưởng tượng, hư cấu.

Thế mới hay, tại sao khi đóng vai Nam Phương Hoàng hậu, Yến Chi lại có một chiều sâu trong thể hiện nhận vật đến vậy. Khi được hỏi giữa thời sân khấu Việt Nam có nhiều thử thách như hiện nay, lửa từ đâu giúp Yến Chi có thể thắp lên tình yêu sân khấu, giúp sinh viên Sân khấu Điện ảnh và cả người quan tâm hiểu và yêu thích một tác giả kịch bản người Mỹ như Arthur Miller, chị cho biết, ý định khởi thảo cho chuyên luận này là do quá trình cấu tứ đạo diễn cho vở “Cái chết của người chào hàng”- một vở kịch mà Yến Chi rất yêu mến vì tính hiện thực và chiều sâu tư tưởng của nó.

Theo như một phần trong cuốn sách, Yến Chi đã chứng minh: Kịch Arthur Miller có nhiều nét tương đồng với kịch nói Việt Nam, đó là "con đường kịch xã hội" với tính hiện thực là nền tảng, những ví dụ so sánh để "kéo gần" kịch Việt Nam và kịch Mỹ ( qua tác phẩm của Arthur Miller) đã làm cho tác phẩm trở nên đắc dụng.

Chưa làm được trên sân khấu, gửi đam mê lên giấy

Đem băn khoăn hỏi rằng đến bao giờ thì điều kiện thực tế sẽ cho phép chị thực hiện được bản cấu tứ đạo diễn vở “Cái chết của một người chào hàng” trên sàn diễn? Yến Chi cho biết: “Đó còn là một dấu hỏi, tùy thuộc vào điều kiện vật chất và thời gian. Nhưng kịch của Arthur Miller đã trở thành một nỗi ám ảnh khôn nguôi với Yến Chi”. Và nỗi ám ảnh đó đã được chuyển hóa thành chuyên luận sân khấu khá công phu. Được biết, để cho việc có thể đạo diễn thêm sâu sắc, chị đã phải tìm hỉểu toàn bộ thân thế và sự nghiệp sân khấu của tác giả. Từ tình yêu đối với một tác phẩm cụ thể đã bừng lên trong chị tình yêu và sự mến phục đối với cả cuộc đời và sự nghiệp của Arthur Miller. Khi viết cuốn sách, tác giả đã phải vượt qua nhiều khó khăn.

Theo GS.TS. NSND Đình Quang thì chỉ có một vở diễn của tác giả Arthur Miller được dàn dựng trên sân khấu nước ta nhưng đã lâu, từ thời chiến tranh chống Mỹ, và cũng mới chỉ có hai vở kịch của ông đã được dịch, in ấn ở ta, đó là “Cái chết của một người chào hàng” và “Tất cả đều là con tôi” vào những năm 70 của thế kỷ trước. Yến Chi còn phải vượt qua bức tường ngôn ngữ quả thực là một rào cản cùng sự nghèo nàn về tư liệu đã buộc chị phải gõ cửa ở nhiều nguồn trong nước cũng như ngoài nước. Trong phạm vi những vở kịch tiêu biểu, tác giả chuyên luận tập trung hướng vào nghệ thuật biên kịch, lĩnh vực nghề nghiệp mà chị tâm đắc.

GS.TS. NSND Đình Quang cũng cho biết: "Tôi không ngần ngại để khẳng định: Đó là một cuốn sách nghiêm túc và sâu sắc của một đạo diễn trẻ trước một tác giả lớn mà mình kính trọng và khao khát được thể hiện trên sân khấu.” Cuốn sách không chỉ bổ ích riêng cho giới sân khấu mà còn có ích cho giới nghiên cứu văn học, người yêu kịch nói, nhất là trong bối cảnh các tác giả đến từ nước Mỹ chúng ta còn ít có điều kiện tiếp cận. Và Yến Chi đang muốn lan tỏa tình yêu sân khấu, yêu văn học đến mọi người.

Thiên Anh