01:15 24/01/2012

Năm ngoại giao sôi động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Từ đảo quốc Sư tử đến thiên đường du lịch Haoai

Năm tháng sau khi được Quốc hội tín nhiệm trao trọng trách đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bốn lần công du nước ngoài. Chuyến đi nào cũng vậy, lịch hoạt động của Chủ tịch luôn dày đặc.

Năm tháng sau khi được Quốc hội tín nhiệm trao trọng trách đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã bốn lần công du nước ngoài. Chuyến đi nào cũng vậy, lịch hoạt động của Chủ tịch luôn dày đặc. Bên lề những lần gặp gỡ, hội đàm của Chủ tịch nước với đối tác và bạn bè, phóng viên chuyên trách đi theo đoàn đã cảm nhận được nhiều điều thú vị.

Điểm đến đầu tiên

Xinhgapo - Đảo quốc Sư tử và Malaixia - quốc gia tự hào với biểu tượng tòa tháp đôi. Hai quốc gia láng giềng gần gũi cả về địa lý và phương diện quan hệ ngoại giao là điểm đến đầu tiên của Chủ tịch nước và đoàn công tác trong năm ngoại giao đầu tiên sôi động.

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Philíppin, ngày 27/10/2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự Lễ khánh thành Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên ASEAN Intramuros ở thủ đô Manila. Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN


Từ phía bạn, đây cũng là lần tiếp nguyên thủ đầu tiên của Tổng thống Xinhgapo kể từ khi nhậm chức. Còn với Malaixia đây cũng là lần đáp lễ của Nhà nước ta, sau chuyến thăm của Quốc vương Malaixia tới Việt Nam hai năm trước. Chính vì lẽ đó mà những nghi lễ trọng thể nhất đã được cử hành và cùng với đó những tình cảm thật chân thành đã được phía bạn bày tỏ. Cờ hoa, những nụ cười thân mến, những cử chỉ thân tình... tất cả không chỉ có ở những nơi sang trọng bề thế như dinh Tổng thống Istana, khách sạn Shangri - la, tòa tháp đôi Petronas, mà ở hầu khắp những nơi đoàn đặt chân đến. Xúc động bất ngờ khi thời gian chuyến thăm hai nước không dài, nhưng giữa lãnh đạo Nhà nước ta cùng những nhà lãnh đạo đương chức và cả các lãnh tụ có ảnh hưởng nhất của Đảo quốc Sư tử và đất nước Mã lai, trong hoàn cảnh quốc sự bận rộn, tuổi tác cao... đã cùng nhau hội đàm hội kiến. Có những nhà lãnh đạo, được tin đoàn Việt Nam sang, đã hối hả đáp chuyến bay về Xinhgapo đến gặp cho được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với tình cảm tri giao.

Trong những lần gặp gỡ đó, đoàn Việt Nam cùng hai nước thân cận đã đi đến nhiều điểm tương đồng, từ quan hệ song phương đến những vấn đề đang được dư luận trong nước quốc tế quan tâm. Tin cậy hơn, sâu sắc hơn và toàn diện hơn, trên tất cả các lĩnh vực, là những đánh giá của những nhà ngoại giao hàng đầu của nước ta và nước bạn, khi nói về mối liên kết giữa Việt Nam với Xinhgapo và Malaixia, sau chuyến thăm chính thức của người Lãnh đạo Nhà nước ta đến với hai quốc gia láng giềng. Nhịp cầu hữu nghị Việt Nam với bạn bè khu vực đã vững vàng, nay lại được nối thêm những nhịp dài, đưa đất nước hội nhập.

Nồng nhiệt Tích Lan

Hành trình của Chủ tịch nước cùng đoàn công tác Việt Nam đến Xri Lanca - đảo quốc còn được gọi với phiên âm Hán tự “Tích Lan”, diễn ra trong quãng thời gian không dài, chỉ 3 ngày và 2 đêm lưu trú tại thủ đô Côlômbô, nhưng tình nghĩa thật đủ đầy.

Vì thịnh vượng của hai quốc gia có nhiều điểm tương đồng, hai bên đã nhất trí để bằng nhiều cách, phải đưa cho được kim ngạch thương mại hai chiều vốn còn khiêm tốn qua ngưỡng một tỉ đô. Cũng vì thế mà những bản ghi nhớ trên các lĩnh vực: Tham vấn chính trị, xúc tiến đầu tư, hợp tác tài chính... đã được hai bên ký kết. Việt Nam sau nhiều năm sứ quán ngừng hoạt động, nay cờ hoa khai trương trụ sở tưng bừng. Khi thông báo về dự án phát triển Đại Hambantota nhằm đưa Xri Lanca thành trung tâm hải cảng và hàng không ở Nam Á, mong muốn của Tổng thống Mahinda Rajapaksa là có thêm nhiều doanh nhân từ Việt Nam đến hợp tác. Còn nhớ hai năm trước, cũng chính Tổng thống Xri Lanca đương nhiệm gọi điện cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam báo tin mừng, khi Xri Lanca giành được hòa bình ổn định chính trị sau hơn 30 năm nội chiến.

Những người Bồ Đào Nha đầu tiên đặt chân đến thủ đô Côlômbô mới đầu đã xây dựng thành phố này mang dáng dấp của một pháo đài với những bức tường kiên cố. Cuối thế kỷ 19, khi nhận thấy không có mối đe dọa đối với hải cảng Côlômbô, nhà chức trách nơi đây mới phá dỡ các bức tường, mở đường cho sự phát triển của thành phố. Dường như một lần nữa, sau những tháng năm nội chiến, “bức tường” ngăn cách của Xri Lanca với toàn cầu được gỡ bỏ. Và Việt Nam là những người khách quý, giúp Tích Lan gần hơn với cộng đồng.

Những kinh nghiệm về tái thiết đất nước, xây dựng hạ tầng, tranh thủ vốn ODA... của Việt Nam từng trải, nay đang là chuyện thời sự của Xri Lanca, rất cần sẻ chia, chỉ đường mách lối. Nói như lời một quan chức Xri Lanca thổ lộ cùng ta trong hội đàm: Cộng đồng quốc tế nói chung và Xri Lanca muốn kết thân với người bạn như Việt Nam.

Manila thân thiện

Thủ đô Manila cách Hà Nội một giờ kinh tuyến, nhưng dường như cùng chung nhịp đập, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sang thăm cấp nhà nước Cộng hòa Philíppin.

Vượt lên cả những nghi thức ngoại giao trọng thể, tình cảm thân thiết chí tình đã được bày tỏ giữa hai nhà lãnh đạo. Đó cũng là những thể hiện mà người dân của một quốc gia chưa phải xếp vào hàng giàu có của khu vực, nhưng đầy lòng mến khách đã dành cho đoàn suốt cả hành trình. Từ những cuộc gặp của đông đảo giới doanh nhân hai nước tại diễn đàn doanh nghiệp với cam kết hiện thực hóa kim ngạch hai chiều đạt 3 tỉ đôla Mỹ trong thời gian tiệm cận. Đến những chuyến thực tế trên tư cách người đứng đầu một quốc gia đến thăm Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), nơi Philíppin sẵn lòng đào tạo cho nông nghiệp Việt Nam những nhà nông học, sự cởi mở đã làm cho hai quốc gia ASEAN ngày một xích lại gần nhau hơn.

Đến Manila, du khách không thể không biết đến Jose Rizal, nhà yêu nước Philíppin, đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha. Tượng đài ông đã thành biểu tượng của nước Philíppin, mà lãnh đạo cấp cao các nước khi thăm Manila đều đến đặt vòng hoa tưởng niệm. Và cũng trong ngày mà vòng hoa của đoàn Việt Nam trang nghiêm đặt tại tượng đài Rizal, ngài thị trưởng Manila cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm lễ khánh thành Tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích thành cổ Intramuros.

Haoai - nơi gặp gỡ Đông Tây

Vào lúc 16 giờ ngày 13/11, theo giờ địa phương, tức 9 giờ sáng ngày 14/11 theo giờ VN, Hội nghị cấp cao APEC 19 đã kết thúc. Sau khi dự 2 phiên họp Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC diễn ra trong ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Hônôlulu về nước, để lại những dấu ấn tốt đẹp tại Haoai.

Đây là lần đầu tiên một Lãnh đạo cấp cao Việt Nam phát biểu tại Trung tâm Đông - Tây, cơ quan nghiên cứu có uy tín hàng đầu của Mỹ với sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm các Nghị sỹ liên bang, lãnh đạo, các nhà nghiên cứu bang Haoai và thành phố Hônôlulu. Tại diễn đàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Chiến lược phát triển của Việt Nam thời gian tới là đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Đây cũng là lần đầu tiên, lãnh đạo nước ta có cuộc gặp mặt với lãnh đạo 11 quốc đảo vùng Thái Bình Dương. Trao đổi với Tổng thống đảo Mori, Thủ tướng các đảo Tônga, Xamoa, Cook Island, Chủ tịch nước cho biết, sự phát triển của Việt Nam luôn gắn bó chặt chẽ, mật thiết với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và APEC.

Gặp các nhà lãnh đạo các nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), với sự chủ tọa của Tổng thống nước chủ nhà Hoa Kỳ Barack Obama, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên cần cùng nhau nỗ lực bảo đảm tiến trình đàm phán hướng tới một hiệp định cân bằng, thực sự đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của tất cả các thành viên.

Tại cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào, hai vị lãnh đạo cũng thống nhất sẽ phối hợp và hợp tác chặt chẽ để Hội nghị APEC thành công và đảm bảo lợi ích chính đáng của các nước đang phát triển trong tiến trình khu vực hóa, toàn cầu hóa kinh tế thế giới. Gặp Tổng thống Nga D.Medvedev, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị phía Nga đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án lớn tại Việt Nam. Đặc biệt cần đưa dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 trở thành biểu tượng mẫu mực hữu nghị và hợp tác mới giữa hai nước. Tổng thống Medvedev nhất trí với các ý kiến của Chủ tịch nước và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và hai dân tộc.

Qua các cuộc hội kiến với lãnh đạo các nền kinh tế: Tổng thống Chilê Sebastian Pinera Echenique; Thủ tướng Ôxtrâylia, bà Julia Gillard..., Việt Nam luôn khẳng định vị thế của một thành viên tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và khu vực.

Cùng với các hoạt động đối ngoại dồn dập của các nhà lãnh đạo cấp cao khác của đất nước, những chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong năm ngoại giao sôi động 2011 đã góp phần chuyển tải thông điệp của đường lối phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Đại hội đại biểu Đảng lần thứ XI, qua đó, tăng cường hơn nữa quan hệ và vị thế của Việt Nam.

“Chưa bao giờ Việt Nam có nhiều bạn bè như lúc này” – là lời khẳng định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong buổi gặp gỡ báo chí đầu năm. Mùa xuân mới đang về với thời cơ vận hội tiếp tục đón chào những thành tựu mới cho đất nước hình chữ S thân thương này.

Hoàng Giang