12:11 09/12/2010

Nam Định:Dự án KCN Bảo Minh vẫn "dậm chân tại chỗ"?

Nằm trong danh mục các khu công nghiệp (KCN) ưu tiên thành lập theo "Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020"...

Nằm trong danh mục các khu công nghiệp (KCN) ưu tiên thành lập theo "Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020", được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 và giao cho chủ đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư Vinatex thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam từ cuối tháng 9/2007, dự án xây dựng KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản, Nam Định) hiện vẫn "dậm chân tại chỗ".

Những đòi hỏi quá mức

KCN này được quy hoạch trên diện tích hơn 163 ha thuộc địa phận 3 xã Liên Minh, Liên Bảo và Kim Thái, liền kề quốc lộ 10 và tuyến đường sắt Bắc - Nam.

Theo định hướng phát triển, KCN Bảo Minh sẽ tập trung sản xuất các sản phẩm dệt may và các mặt hàng khác có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần quan trọng, trực tiếp và lâu dài vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, tăng thu ngân sách địa phương, tạo điều kiện để cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân trong vùng và các vùng phụ cận.

Phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB tại KCN này được lập từ cuối năm 2007. Tuy nhiên, để người dân được lợi hơn, huyện Vụ Bản đã cố đợi đến đầu năm 2008 để áp dụng giá đền bù theo mức mới cụ thể là 27.000 đồng/m2, cộng thêm 5.000 đồng/m2 tiền hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp. Trong tháng 2/2008, tất cả 970 hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và ký biên bản bàn giao mặt bằng. Gần 40 tỷ đồng đã được chi trả ngay cho các hộ dân trong đợt này.

Ngay sau đó, Công ty cổ phần đầu tư Vinatex đã tiến hành thi công xây dựng cơ sở hạ tầng KCN như san lấp mặt bằng, xây dựng tường bao. Tuy nhiên, đến tháng 6/2008, nại lý do giá đền bù thấp, dự án chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ GPMB, một số hộ dân ở xã Liên Minh đã yêu cầu chủ đầu tư phải thương lượng lại về giá đền bù, đồng thời ồ ạt tiến hành cày cấy trên phần đất đã bàn giao, ngăn cản thi công, buộc nhà đầu tư phải ngừng xây dựng, gây nên tình trạng mất trật tự an ninh trong khu vực. Một số hộ dân ở hai xã còn lại là Liên Bảo và Kim Thái cũng nhanh chóng "nhập cuộc", gây sức ép đòi chủ đầu tư phải chi thêm tiền.


Nam Định đang huy động tổng lực để giải phóng mặt bằng KCN Bảo Minh-Ảnh TTTXVN


Để giải quyết vướng mắc trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hồ sơ, trình tự thu hồi đất và đã điều chỉnh mức hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp từ 5.000 đồng lên 8.000 đồng/m2, chủ đầu tư cũng quyết định hỗ trợ thêm 7.000 đồng/m2, ngoài khoản tiền thưởng bàn giao mặt bằng đúng tiến độ 5.000 đồng/m2. Tổng mức bồi thường, hỗ trợ và tiền thưởng đến thời điểm đó đã lên đến 47.000 đồng/m2, cao hơn 15.000 đồng/m2 so với mức trước đó. Tại thời điểm đó, đã có 728/970 hộ (75%) nhận tiền theo phương án GPMB bổ sung với số tiền gần 7,9 tỷ đồng. Ngoài mức bồi thường, hỗ trợ nêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo nhà đầu tư dành khoảng 7% diện tích đất nông nghiệp thu hồi để xây dựng 3 khu dịch vụ cho các hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong diện tích dành cho khu dịch vụ, tái định cư này còn 7 hộ dân chưa nhận tiền đền bù đợt 2. Khi khởi công, họ đã ngăn cản thi công nên công việc đành phải dừng lại. Tiếp theo đó, tỉnh còn chỉ đạo UBND huyện Vụ Bản lập phương án hỗ trợ người nghèo theo quy định. Đến tháng 8/2010, đã có 75/75 hộ nghèo đã được nhận tổng số tiền gần 1,1 tỷ đồng.

Tới thời điểm này, ngoài được giao đất dịch vụ, mỗi hộ dân bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp có thể nhận 67.000 đồng/m2 tiền bồi thường, hỗ trợ, trong đó có 35.000 đồng/m2 của UBND tỉnh, 32.000 đồng/m2 của chủ đầu tư hỗ trợ thêm. Các hộ phải thu hồi đến 30% đất nông nghiệp có thể được Nhà nước và nhà đầu tư bồi thường, hỗ trợ đến 87.000 đồng/m2. Các hộ nghèo thuộc 2 diện trên còn được hỗ trợ mỗi khẩu 30 kg gạo/tháng trong vòng 3 năm. Ngoài ra, số lao động đủ điều kiện làm việc trong KCN còn được chủ đầu tư hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí và cam kết tuyển dụng vào làm việc. Đây là mức hỗ trợ GPMB cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện Vụ Bản. Cũng cần phải nói thêm rằng Nam Định là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chính sách đất dịch vụ để hỗ trợ cho những hộ bị thu hồi hơn 30% đất nông nghiệp, trong khi đó KCN Bảo Minh cũng là KCN đầu tiên trong tỉnh áp dụng chính sách này.

Tuy vậy, một số hộ dân bị các đối tượng xấu kích động, xúi giục vẫn chưa chấp nhận phương án đền bù, GPMB và có ý "so đo" với giá bồi thường áp dụng tại các tỉnh có điều kiện địa lý và phát triển kinh tế tốt hơn để khiếu kiện. Một số hộ khác thì "tị nạnh" với các hộ dân được cấp đất dịch vụ, tái định cư nên không chịu nhận tiền hỗ trợ bổ sung.

Chính quyền quyết tâm vào cuộc

Để giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn tại, đầu tháng 11/2010, Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ra kết luận trong đó yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của tỉnh và huyện Vụ Bản tăng cường, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, quyết tâm hoàn thành cơ bản GPMB KCN Bảo Minh ngay trong năm 2010 để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh và huyện, cải thiện môi trường đầu tư, bảo đảm lợi ích và trách nhiệm của nhà đầu tư, ổn định đời sống lâu dài của nhân dân địa phương.

Xác định công tác GPMB KCN Bảo Minh là "nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế" của địa phương trong thời gian tới, UBND tỉnh ngay sau đó đã có công văn yêu cầu UBND huyện Vụ Bản, các ngành và xã liên quan tập trung lãnh đạo, tổ chức quán triệt và có kế hoạch cụ thể thực hiện kết luận của Thường vụ Tỉnh ủy; huy động cả hệ thống chính trị để thực hiện công tác này và coi đây là "nhiệm vụ trọng tâm số 1" trong thời điểm này, quyết tâm hoàn thành công tác này ngay trong thời hạn nói trên.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan huy động toàn bộ lực lượng, tập trung cao độ thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật về GPMB, nhận tiền và bàn giao mặt bằng để xây dựng KCN, phân loại đối tượng để có biện pháp xử lý phù hợp. Lực lượng công an tỉnh và huyện Vụ Bản được yêu cầu xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự cho việc thi công xây dựng KCN, kiên quyết xử lý những người cố tình chống đối, gây khó khăn trong quá trình thực hiện công tác GPMB KCN Bảo Minh.

Chúng tôi tin rằng với sự vào cuộc đầy quyết tâm lần này của các cấp Đảng và chính quyền tỉnh Nam Định, cùng các biện pháp đồng bộ trong đó kết hợp công tác tuyên truyền với các biện pháp hành chính và kinh tế, vấn đề GPMB tại KCN Bảo Minh sẽ được giải quyết triệt để và hoàn thành đúng thời hạn nhằm "cởi xích" cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh nhà cũng như cải thiện hình ảnh của địa phương trong con mắt các nhà đầu tư.

Hữu Chiến - TTXVN