12:10 06/12/2010

Nam Định: DN nợ đọng gần 60 tỷ đồng BHXH

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định, đến hết tháng 11, tổng số nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Nam Định lên tới 58,5 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định, đến hết tháng 11, tổng số nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) của Nam Định lên tới 58,5 tỷ đồng. Trong đó có trên 20 doanh nghiệp "cố tình" nợ BHXH lớn với tổng số tiền là 14,2 tỷ đồng, thời gian nợ đọng từ 6 tháng trở lên.

Ông Nguyễn Lương Ba, Trưởng phòng thu BHXH tỉnh Nam Định cho biết: Tình trạng nợ đọng trước đây chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhưng vài năm gần đây nhiều đơn vị không gặp khó khăn vẫn cố tình không nộp đầy đủ. Đơn cử như Trường Cao đẳng nghề Kinh tế Kỹ thuật Vinatex, hàng năm trường vẫn tuyển sinh số lượng năm sau cao hơn năm trước, công tác xây dựng trường sở, tuyển dụng giáo viên, mở rộng quy mô vẫn tiến hành đều đặn, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện trách nhiệm trả nợ BHXH và là đơn vị trong “tốp” 3 đơn vị có số nợ BHXH cao nhất toàn tỉnh, lên tới 1,38 tỷ đồng.

Công ty TNHH may Trường Xuân, huyện Mỹ Lộc cũng có số nợ đọng BHXH lớn. Đến hết tháng 11, tổng nợ BHXH của Trường Xuân là trên 400 triệu đồng, thời gian nợ lên tới 35 tháng. Công ty có gần 300 lao động nhưng chỉ có 61 người được đăng ký tham gia BHXH; tuy nhiên số lao động này đến nay vẫn đang bị khoanh sổ, không được chi trả chế độ, dù hàng tháng công ty vẫn đều đặn trích tiền đóng BHXH, BHYT của 61 lao động trên trong tổng quỹ tiền lương.

Còn ở Công ty Cổ phần thương mại tổng hợp Nam Định, số nợ BHXH tới gần 850 triệu đồng, thời gian nợ là 33 tháng. Thực hiện chế độ "khoán sản phẩm", gần 60 lao động của công ty được "biên chế" trong các quầy hàng thương mại, phân bố rộng khắp thành phố Nam Định. Hàng tháng, các quầy hàng đều nộp đủ tiền khoán (gồm cả 28,5% BHXH + BHYT + BHTN) nhưng công ty vẫn không nộp về cơ quan BHXH.

Cũng theo ông Ba, các doanh nghiệp đa phần chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm đến quyền lợi chính đáng của người lao động; mức xử phạt nợ, chậm đóng BHXH vẫn còn quá nhẹ, thậm chí chưa bằng lãi suất nợ ngân hàng. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các cơ quan chức năng có thẩm quyền, trách nhiệm trong vấn đề này chưa thật sự "vào cuộc”, có nơi còn thờ ơ... dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp "chây ỳ" không đóng BHXH.

Theo quy định của ngành BHXH, đơn vị chậm đóng BHXH là bị khoanh sổ, dừng chi trả chế độ cho người thuộc đơn vị. Bởi vậy, khi các đơn vị "cố tình" nợ đọng bảo hiểm thì thiệt thòi là người lao động. Để góp phần đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội, bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, xử phạt những đơn vị cố tình nợ đọng, tháng 10 vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định đã có sáng kiến thành lập Tổ công tác thu nợ chuyên ngành làm nhiệm vụ đôn đốc trả nợ. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng "nằm vùng" để vận động, thuyết phục tình hình vẫn không mấy biến chuyển.

Mỹ Bình – TTXVN