03:09 03/03/2012

Năm của những đổi thay tại Nga

Ngay trước thềm năm mới 2012, nước Nga đã chào đón một Đuma Quốc gia mới, với diện mạo mới, tương quan lực lượng mới và nhiệm kỳ cũng thay đổi từ 4 năm lên 5 năm. 3 tháng đầu năm, nước Nga đã đón nhận biết bao thay đổi và dự kiến còn nhiều cải cách nữa sẽ được thực hiện trong nay mai.

Ngay trước thềm năm mới 2012, nước Nga đã chào đón một Đuma Quốc gia mới, với diện mạo mới, tương quan lực lượng mới và nhiệm kỳ cũng thay đổi từ 4 năm lên 5 năm. Và mới 3 tháng đầu năm, nước Nga đã đón nhận biết bao thay đổi và dự kiến còn nhiều đổi mới và cải cách nữa sẽ được thực hiện trong nay mai.

Những ngày đầu tháng 3 này, người dân “xứ sở Bạch Dương” lại tham gia vào một sự kiện đặc biệt quan trọng để chọn ra nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống ngày 4/3, vốn được dư luận Nga và thế giới đặc biệt quan tâm, sẽ định hình con đường phát triển của nước Nga trong thập kỷ tới. Do kết hợp được nhiều yếu tố cả khách quan lẫn chủ quan: sự ủng hộ của dân chúng, của các đảng phái, các tổ chức chính trị - xã hội; sức khỏe và sự chủ động tích cực trong chiến dịch vận động tranh cử; tính chuyên nghiệp và bài bản của Ban vận động tranh cử; Cương lĩnh và các bài viết tranh cử vừa đánh trúng tâm lý người dân về tư tưởng “đại Nga”, lại vừa bao quát được những vấn đề xã hội đang nổi cộm,.... nên cơ hội giành chiến thắng của ứng cử viên Vladimir Putin rất cao, khoảng 55% đến 60%. Càng đến gần ngày bầu cử, tỷ lệ ủng hộ ông Putin lại càng tăng, một phần có lẽ cũng do đường lối và phong cách lãnh đạo của ông đã được đổi mới theo hướng sâu sát hơn với người dân. Để tăng tính khách quan và đảm bảo tính trung thực của cuộc bầu cử, Thủ tướng Putin đã cho sử dụng hòm phiếu trong suốt, lắp đặt camera tại hơn 94.000 điểm bỏ phiếu để người dân có thể ngồi tại nhà quan sát quá trình bỏ phiếu. Với sự “sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu” như vậy, ông Putin được dự báo sẽ giành nốt lá phiếu của những cử tri còn đang lưỡng lự chưa biết bỏ phiếu cho ai vào những giờ khắc cuối cùng trước thềm bầu cử.



Ứng cử viên tổng thống Nga, Thủ tướng đương nhiệm Vladimir Putin phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Mátxcơva ngày 23/2. Ảnh: AFP/TTXVN



Trong bối cảnh thế giới còn nhiều biến động khó lường, nguy cơ khủng hoảng kinh tế mới đang rình rập bất cứ quốc gia nào thì lá phiếu của cử tri lại càng trở nên có ý nghĩa, bởi lá phiếu của họ không chỉ giúp chọn ra vị tổng thống với nhiệm kỳ 6 năm, mà còn làm thay đổi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo truyền thống, việc thay đổi tổng thống thường kéo theo những thay đổi trong nội các để tạo ra một bộ máy làm việc hiệu quả hơn, ăn khớp hơn.

Nhưng có lẽ nhân tố thay đổi mạnh mẽ nhất tại Nga trong năm 2012 chính là xã hội. Hơn 20 năm trở lại đây, xã hội Nga dường như chưa bao giờ chứng kiến những hoạt động sôi nổi và quy mô như vậy. Mít tinh, tuần hành của các lực lượng chính trị khác nhau, với những quan điểm và mong muốn khác nhau, thậm chí trái ngược nhau ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ rộng lớn trải dài từ Á sang Âu. Người dân ngày càng tích cực tham gia vào đời sống chính trị - xã hội, tham gia đóng góp ý kiến với chính quyền để xây dựng một nước Nga hùng mạnh hơn, dân chủ hơn. Điều này cũng phù hợp với chủ trương “hiện đại hóa toàn diện” của Tổng thống Dmitri Medvedev, Thủ tướng Putin và đảng Nước Nga thống nhất (ER). Một mô hình giao tiếp mới giữa người dân và chính quyền theo hướng “vi tính hóa” đang được định hình và sẽ dần được hoàn thiện, hướng đến một chính phủ điện tử thực sự. Cùng với một xã hội ngày càng cởi mở, công khai và dân chủ, hệ thống chính trị, đảng phái tại Nga đang bắt đầu bước vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ. Các điều luật tương ứng về hoạt động của các cơ cấu, tổ chức nói trên cũng được sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ với cơ hội đóng góp ý kiến dành cho các lực lượng chính trị khác nhau. Điển hình là việc Đuma Quốc gia (Hạ viện) Nga những ngày cuối tháng 2 vừa qua đã thông qua ba dự luật do Tổng thống Medvedev đệ trình, gồm dự luật cho phép cử tri Nga được bầu trực tiếp người đứng đầu các tỉnh, thành (trước đây do Tổng thống chỉ định), đơn giản hóa thủ tục đăng ký hoạt động của các chính đảng (giảm tới 80 lần số lượng đảng viên tối thiểu) và cho phép các chính đảng không phải thu thập chữ ký ủng hộ để tham gia các cuộc bầu cử các cấp, ngoại trừ bầu cử tổng thống. Việc có tới hơn 800.000 quan sát viên độc lập, một con số có lẽ chưa từng có trong hơn 20 năm qua, cùng hàng triệu người giám sát bầu cử trực tiếp qua mạng phần nào cho thấy xã hội và người dân Nga quan tâm thế nào đến tương lai đất nước.

Năm 2012 - năm mà nước Nga là chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) - được kỳ vọng sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử nước Nga hiện đại với những đổi thay mạnh mẽ cả trong chính sách đối nội cũng như hoạt động đối ngoại. Thế giới đang thay đổi, và nước Nga cũng đang thay đổi cho phù hợp với xu thế chung. Có điều nước Nga sẽ thay đổi ra sao, với tốc độ như thế nào và theo hình thức nào hoàn toàn phụ thuộc vào mong muốn và nguyện vọng của người dân Nga, phù hợp với đặc thù của nước Nga, truyền thống và văn hóa Nga. Mọi sự gán ghép, áp đặt khuôn mẫu từ bên ngoài sẽ không bao giờ mang lại kết quả như mong đợi.

Hồng Quân - P/v TTXVN tại LB Nga