Năm 2022, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (HPA) sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng xúc tiến tại chỗ.
Sáng 30/12/2021, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết chương trình xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố năm 2021, triển khai Chương trình năm 2022.
Tới dự Hội nghị có ông Nguyễn Mạnh Quyền - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương…
Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, năm 2021, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội và các sở, ngành liên quan đã “thích ứng” bằng các hoạt động đổi mới trong công tác xúc tiến, theo hướng tăng cường các hoạt động gắn kết cả ba lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch; qua đó có thể tiết kiệm nguồn lực, đồng thời lại nâng cao được chất lượng của các chương trình xúc tiến.
Bên cạnh đó, với việc đẩy mạnh công nghệ thông tin; Trung tâm đã tăng cường các hoạt động xúc tiến online, đẩy mạnh theo hướng thương mại điện tử.
Cụ thể, Trung tâm đã nâng cấp Cổng thông tin Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội và các website chuyên đề theo lĩnh vực như website nông sản an toàn Hà Nội, website làng nghề Hà Nội; điều chỉnh giao diện, bổ sung chức năng theo quy định và giúp truy cập, tra cứu thông tin thuận tiện; tổ chức liên kết website với các cơ quan, tỉnh, thành, tổ chức xúc tiến; Tổ chức truyền thông các sự kiện hoạt động của Thành phố thường xuyên trên tài khoản facebook, mạng xã hội chính thức của Trung tâm.
Hệ thống cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch và nông nghiệp cũng được Trung tâm cập nhật thường xuyên; bao gồm các nội dung như: Tập trung thu thập, xây dựng thông tin, dữ liệu ngành hàng, dữ liệu về các doanh nghiệp, các thông tin hữu ích doanh nghiệp quan tâm; trên cơ sở đó tổ chức kết nối hiệu quả cho các doanh nghiệp, giúp cho các doanh nghiệp nắm được các thông tin cơ bản, cần thiết, tìm hiểu được các đối tác, thị trường, ngành hàng, cũng như những thông tin chào mua, chào bán mà mình quan tâm.
Đặc biệt, trong giai đoạn quý IV/2021, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, Trung tâm đã tổ chức được hàng loạt các hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của Thủ đô; cũng như kết nối với các địa phương trong cả nước, các đối tác quốc tế. Cụ thể như: Hội nghị "Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn thành phố Hà Nội trong bối cảnh dịch COVID-19", “Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh dịch COVID-19”; Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam; Tháng khuyến mại Hà Nội năm 2021; Hội chợ “Hanoi Agriculture 2021”, các chương trình tập huấn cho DN Thủ đô…
Những nỗ lực đó của Trung tâm đã góp phần tạo nên những thành quả đáng khích lệ của kinh tế Thủ đô trong năm 2021. Cụ thể, luỹ kế thu hút FDI 11 tháng năm 2021 của Hà Nội khoảng 1,467 tỷ USD, hiện đứng thứ 5 cả nước. Trong đó, vốn đăng ký các dự án FDI thành lập mới và dự án bổ sung tăng vốn ước đạt 1.023,95 triệu USD (đăng ký mới 343 dự án với số vốn đạt 225,81 triệu USD; 136 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 798,14 triệu USD. Số lượt đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài: 434 lượt, số vốn khoảng 443 triệu USD. Dự kiến, cả năm 2021, Hà Nội sẽ thu hút vốn FDI đạt 1.5-1.6 tỷ USD.
Cùng với đó, ước cả năm 2021, giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn bán lẻ của Thủ đô cũng tăng từ 0,61-1,55% so với năm 2020; đóng góp khoảng 0,06 - 0,145 điểm phần trăm vào tổng mức tăng 2,35-3,0% của GRDP, chiếm tỷ trọng từ 2,5-5%. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Hà Nội ước đạt 14,98 tỷ USD giảm 1,2% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước đạt 34,35 tỷ USD tăng 18,33% so với năm 2020. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021: 3,48% (cao hơn so kế hoạch: 2,5- 3%).
Năm 2021, Hà Nội ước đón 4 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 53% lượng khách nội địa năm 2020 và bằng 36% kế hoạch đề ra từ đầu năm). Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 11,28 nghìn tỷ đồng (bằng 40% tổng thu năm 2020 và bằng 23% kế hoạch đề ra).
Ghi nhận những đóng góp của Trung tâm trong năm 2021, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM), Bộ Công Thương khẳng định: Trong thời gian qua, Cục XTTM và các đơn vị chức năng của TP. Hà Nội luôn duy trì cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong công tác XTTM ở các lĩnh vực chính như quản lý nhà nước về hoạt động XTTM, chương trình cấp quốc gia về XTTM, chương trình Thương hiệu quốc gia, hoạt động xúc tiến đầu tư… Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội đã góp phần kiến tạo nên vai trò kết nối XTTM của Hà Nội đối với khu vực và cả nước, đặc biệt khi Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch trở thành đầu mối triển khai công tác xúc tiến của Thành phố trong cả 3 lĩnh vực Đầu tư – Thương mại – Du lịch. Một số chương trình xúc tiến đã tạo được thương hiệu, có sự lan toả, kết nối các địa phương, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trong cả nước quảng bá sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Điển hình như: Hội chợ Đặc sản vùng miền Việt Nam thường niên với sự tham dự của gần 60 tỉnh, thành phố, Hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá; Các chương trình tiếp cận hệ thống phân phối lớn tại nước ngoài thông qua Tuần hàng Việt Nam - Hà Nội tại AEON (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Rungis (Pháp)…
Clip ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm và ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hanoisme chia sẻ hoạt động kết nối xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại hội nghị:
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm cho biết: Phát huy những kết quả đạt được trong năm 2021, với vai trò, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối trong công tác xúc tiến của Thành phố, Trung tâm đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết cho các lĩnh vực xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch năm 2022 và đã được thành phố Hà Nội phê duyệt từ tháng 12/2021. Các hoạt động xúc tiến sẽ dựa trên nguyên tắc tuân thủ định hướng của Trung ương, Thành phố về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; xác định các thị trường trọng điểm; gắn kết đồng bộ cả ba nội dung xúc tiến về đầu tư, thương mại và du lịch trong các sự kiện để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến (đặc biệt là các hoạt động xúc tiến tại nước ngoài trong trường hợp dịch bệnh được đảm bảo).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Để hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ngày càng hiệu quả, đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới, Trung tâm cần khẩn trương tham mưu, xây dựng kế hoạch triển khai các công việc, tiến độ cụ thể đối với các chủ trương lớn của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, UBND Thành phố Hà Nội và Chương trình số 313 ngày 28/12/2021 của UBND Thành phố về Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố năm 2022.
Cụ thể, cần xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng xúc tiến tại chỗ. Chú trọng các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm có quy mô lớn, mang tính động lực để tạo sức lan tỏa cho các dự án khác cùng phát triển, nhằm tạo uy tín, thu hút doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư, góp phần xây dựng Thành phố.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng cần tăng cường các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch có tính liên kết vùng, liên ngành. Tích cực triển khai các Đề án của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đổi mới hoạt động cả về nội dung và phương thức thực hiện, đa dạng hóa, đa phương hóa…