12:23 20/12/2011

Năm 2011: Nhiều thách thức và cơ hội từ thiên nhiên

Năm 2011, nhân loại đã phải hứng chịu rất nhiều thử thách của thiên nhiên, từ động đất, sóng thần và các trận bão dữ dội cho tới thời tiết khắc nghiệt, bệnh dịch và rò rỉ chất phóng xạ.

Năm 2011, nhân loại đã phải hứng chịu rất nhiều thử thách của thiên nhiên, từ động đất, sóng thần và các trận bão dữ dội cho tới thời tiết khắc nghiệt, bệnh dịch và rò rỉ chất phóng xạ. Cũng trong năm 2011, con người tiếp tục suy ngẫm và nghiên cứu trong nỗ lực đưa Trái Đất với 7 tỷ người tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Các trận động đất, sóng thần, hạn hán và lốc xoáy đã thường xuyên giáng xuống Trái Đất trong năm 2011 không chỉ cướp đi rất nhiều sinh mạng, mà còn gây ra những thiệt hại nặng nề về vật chất. Theo Tập đoàn tái bảo hiểm Munich Re của Đức, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, các thảm họa thiên nhiên đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 265 tỷ USD, làm cho năm 2011 trở thành "năm hao tiền tốn của nhất" trong lịch sử nhân loại xét về những thiệt hại liên quan đến thảm họa.

Bên cạnh đó, năm nay cũng chứng kiến một đợt hạn hán kéo dài và nạn đói khủng khiếp ở Đông Phi, nhất là ở Kênia và Xômali. Khoảng 12 triệu người ở đây phải chịu cảnh chết đói và suy dinh dưỡng.

Trong khi đó, ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, các quốc gia như Thái Lan và Ôxtrâylia đã phải hứng chịu những trận lũ lụt hiếm thấy trong năm 2011. Các trận lốc xoáy và lũ lụt đã khiến ngành sản xuất than đá của Ôxtrâylia thiệt hại ước tính khoảng 8,3 tỷ USD, trong khi các trận lũ lụt ở Thái Lan đã làm hơn 562 người thiệt mạng và làm tê liệt nền công nghiệp du lịch của nước này.

Cũng trong năm nay, một loại "siêu vi khuẩn" - được cho là do lạm dụng các loại thuốc kháng sinh - đã bắt đầu xuất hiện ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Các ca nhiễm khuẩn E.coli đã xảy ra ở châu Âu hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, cướp đi sinh mạng của hàng chục người và lây nhiễm sang hàng nghìn người khác.

"Thiên nhiên" - một tạp chí khoa học nổi tiếng của Anh - đã miêu tả thế giới ngày nay với "một nửa trong biển nước và một nửa trong biển lửa" nhằm ám chỉ tới các trận lũ lụt và hạn hán xảy ra trên thế giới.

Từ lâu, con người đã miệt mài tìm ra các biện pháp để đối phó với các thảm họa. Đứng trước thiên nhiên đầy thất thường và bí ẩn, con người phải dựa vào suy nghĩ và hành động để đối phó.

Rút kinh nghiệm từ cơn bão Katrina thảm khốc xảy ra trong năm 2005, chính quyền các bang phía đông của Mỹ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp khẩn cấp có hiệu quả khi cơn bão Irene tràn vào năm 2011.

Tại Nhật Bản, một số thành phố như Tono đã lên các kế hoạch xây dựng các cơ sở phòng chống thiên tai dọc bờ biển của nước này ngay trong năm 2007 và thực hiện các công tác chuẩn bị cần thiết, kể cả việc tiến hành các cuộc diễn tập phòng chống thiên tai quy mô lớn.

Ở khu vực Sừng châu Phi, Kênia - quốc gia bị thiệt hại nặng nề do hạn hán - hiện đã lên kế hoạch huy động 1 tỷ USD để xây dựng 30 hồ chứa nước lớn trong 10 năm tới nhằm làm giảm những tác động của thiên tai đối với nước này.

Sau mối lo ngại về sức khỏe do "siêu vi khuẩn" gây ra, con người hiện nay đang chống lại việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh. Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra một kế hoạch hành động 5 năm nhằm ngăn chặn các loại vi khuẩn kháng thuốc, trong khi rất nhiều quốc gia đang tăng cường nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới.

Sau cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 ở Nhật Bản, con người đã bắt đầu suy nghĩ và hành động, tìm kiếm các biện pháp mới và an toàn hơn để sử dụng điện hạt nhân. Trong khi đó, các quốc gia đã bắt đầu đẩy nhanh việc nghiên cứu và phát triển các nguồn năng lượng mới. Đức - quốc gia ủng hộ mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng gió và mặt trời - đã xây dựng 356 nhà máy sản xuất năng lượng gió chỉ trong nửa đầu năm 2011, với tổng công suất là 793 MW.
Trước vô vàn thách thức từ thiên nhiên, con người đang tìm kiếm những cơ hội trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để tạo các bước đột phá cho tương lai.

Tháng 11, Cơ quan Hàng không vũ trụ (NASA) của Mỹ đã phóng một tàu vũ trụ mang tên "Curiosity" lên Sao Hỏa để tìm kiếm các dấu hiệu của sự sống.

Ngày 3/11, việc Trung Quốc kết nối thành công môđun Thiên Cung 1 với tàu vũ trụ Thần Châu-8 đã đánh dấu bước đi đầu tiên trong tham vọng xây dựng một trạm vũ trụ của chính nước này trong tương lai.

Đầu tháng 6, tàu con thoi Endeavor của Mỹ kết thúc sứ mệnh không gian cuối cùng của mình và trở về Trái Đất, đánh dấu chặng cuối cùng của thời kỳ tàu con thoi, đồng thời đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ hậu tàu con thoi với chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của một máy bay vũ trụ (kết hợp các tính năng của máy bay thông thường và tàu vũ trụ) của Mỹ.

Tháng 2, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã đưa thành công tàu vận tải vũ trụ tự động (ATV) thứ hai của châu Âu lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ các phi hành gia trên trạm không gian này.

Tháng 9, tại phòng thí nghiệm Gran Sasso ở Italia, trong một cuộc thí nghiệm có tên là OPERA, các nhà khoa học đã phát hiện rằng các phân tử hạt nhân nơtrinô di chuyển nhanh hơn ánh sáng. Nếu được chứng thực, thì phát hiện này có thể sẽ đi ngược lại Thuyết tương đối của Einstein, mà theo thuyết này, tốc độ ánh sáng là một hằng số lớn và không có gì trên hành tinh này có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng.

Trong năm sắp qua này, còn có tin tức khả quan từ việc nghiên cứu tế bào gốc, trong đó có một số loại thuốc và vắcxin mới chống bệnh AIDS, mang lại cho nhân loại hy vọng loại bỏ "căn bệnh thế kỷ".

Những thách thức đến từ thiên nhiên mà nhân loại phải đối mặt có thể sẽ thay đổi mỗi năm, song điều không thay đổi là con người luôn phải tự suy nghĩ và nắm bắt các cơ hội để vượt qua những thách thức này.

TTK (Theo THX)