02:09 26/02/2011

Năm 2011 - năm chất lượng công trình giao thông

Không ít các công trình giao thông mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng tại một số hạng mục, thậm chí xảy ra ngay trong quá trình xây dựng, gây bức xúc dư luận.

Không ít các công trình giao thông mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng tại một số hạng mục, thậm chí xảy ra ngay trong quá trình xây dựng, gây bức xúc dư luận.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã thẳng thắn thừa nhận thực trạng này xuất phát từ năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, không đáp ứng yêu cầu thực hiện dự án quy mô lớn; giao phó toàn bộ công tác quản lý chất lượng cho tư vấn giám sát… Trước thực tế này, Bộ GTVT lấy năm 2011 là năm chất lượng công trình giao thông, nhưng làm thế nào để “tốt gỗ hơn tốt nước sơn…”.

Bắt mạch các công trình

Dự án Thảm mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) có vốn đầu tư gần trăm tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 12/2009, nhưng đến nay đã phải trải qua sáu lần sửa chữa hỏng hóc; ngày 18/4/2010, đường dẫn cầu cạn Pháp Vân (Hà Nội) bất ngờ bị dổ sập 4 phiến dầm tại gói thầu 3A xây dựng cầu cạn Pháp Vân kéo dài thuộc dự án xây dựng cầu Thanh Trì; cầu Hàm Luông (Bến Tre) hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 4/2010, nhưng mới đây tại vị trí cống hộp trên đường dẫn vào cầu Hàm Luông - phía Mỏ Cày đã có hiện tượng sụt mặt đường, tạo thành lỗ với kích thước khoảng 1,5 m x 1,5 m, sâu 4 m…

Những vết nứt trên mặt cầu Thăng Long được gia cố tạm. Ảnh: Bùi Tường-TTXVN


Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), từ năm 2009-2010, ngành đã xây mới và cải tạo trên 1.750 km đường bộ, gần 30 km cầu và các công trình khác, đưa vào sử dụng hàng chục dự án hạ tầng… nhưng không ít dự án mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng một số hạng mục như tại các dự án: Quốc lộ (QL) 91 (Cần Thơ), QL53 (Vĩnh Long), QL48 (Nghệ An), một số đoạn QL1A, QL27B, tuyến tránh Phú Yên…

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, trên nhiều tuyến phố hiện nay, người dân vẫn đang sống chung với những vỉa hè thường xuyên lún sụt, vỡ gạch, hay vấn nạn đào đường nhưng không hoàn trả chất lượng thi công ban đầu…

Thực tế này không chỉ làm giảm uy tín của ngành, mà còn gây ra những tác động tiêu cực với xã hội, ảnh hưởng đến phát triển giao thương, nhất là tại những thành phố lớn.

Trong nhiều dự án, hiện tượng lún sụt nền đường; sạt lở ta luy nền đường; lún sụt đường hai đầu cầu; mặt đường bị rạn nứt, bong bật; mố cầu bị chuyển vị... ngoài những nguyên nhân khách quan, đều xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan từ công tác khảo sát thiết kế, tuyển chọn nhà đấu thầu, tư vấn giám sát. Theo Nghị định số 209/2004/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các công trình xây dựng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chất lượng thi công công trình.

Tuy nhiên, hiện nay, các ban quản lý dự án (BQLDA) gần như không tổ chức đội ngũ giám sát, quản lý chất lượng, thay vào đó là đi thuê tổ chức giám sát. Đáng chú ý, nhiều BQLDA có năng lực hạn chế khi được giao dự án lớn, yêu cầu kỹ thuật cao đã giao phó toàn bộ công tác quản lý chất lượng cho tư vấn, giám sát mà không có quy định rõ ràng trách nhiệm.

Riêng khâu tư vấn, từ thiết kế đến thẩm tra, giám sát, kiểm định, ở nhiều dự án hiện chỉ có số ít doanh nghiệp tư vấn thiết kế giàu truyền thống, kinh nghiệm đảm nhiệm, còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới hình thành, năng lực yếu.

Chính vì vậy, ngay từ khi lập dự án đã có thiếu sót, liên tục phải điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thi công. Không thể nói những sự cố lún nứt, sụt trượt… chỉ do sai sót của đơn vị thi công, mà không nhắc tới yếu kém của đơn vị thiết kế. Thiết kế đã vậy, tư vấn giám sát, một khâu quan trọng trong hoạt động quản lý chất lượng còn đáng lo ngại hơn, tư vấn giám sát chuẩn thì chất lượng tốt và ngược lại.

Trên thực tế, lực lượng tư vấn giám sát chuyên ngành khá đông, nhưng thiếu chuyên gia giỏi, dựa chủ yếu vào cán bộ của các viện, trường, cục chuyên ngành và làm việc theo hợp đồng thời vụ.

Đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Nội) trong ngày khánh thành. Ảnh : Anh Tuấn – TTXVN


Điểm mặt các dự án trọng điểm như QL1, QL2, QL 3, QL6, QL48, đường tránh Huế, QL 91 (Cần Thơ), QL 53 (Vĩnh Long), QL 48 (Nghệ An-Dự án WB4), một số đoạn trên quốc lộ 1A (Hợp phần bảo trì dự án WB4), tuyến tránh Phú Yên, cầu Tam Trinh (dự án cầu Thanh Trì), Km 79 tuyến Nam sông Hậu… nhiều chuyên gia giao thông “mổ xẻ”: Các hạng mục công trình thường xuyên xảy ra hư hỏng nhất là lún sụt nền đường, sạt lở taluy nền đường, lún và sụt lở 2 đầu cầu, mặt đường bị rạn nứt hoặc bong bật; mố cầu bị chuyển vị, dầm cầu bị nghiêng đổ trong quá trình thi công…

Những hư hỏng này có thể thấy rõ nguyên nhân ngoài sự phát triển nhanh về lưu lượng giao thông vận tải khiến các công trình nhanh chóng xuống cấp gây ra, còn do trong quá trình thi công, việc quản lý chất lượng của các nhà thầu chưa tuân thủ theo đúng quy trình, tiêu chuẩn dự án; bộ máy kiểm soát chất lượng và chi phí cho việc đảm bảo chất lượng của nhà thầu kém; thậm chí nhiều chủ đầu tư đã chấp nhận bỏ giá thấp để thắng thầu, nên quá trình thi công không đủ vốn… Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ, thiếu vốn, thời tiết thất thường, mưa lũ kéo dài cũng là những nguyên nhân khách quan, khó lường.

Tốt gỗ hơn tốt nước sơn

Trước thực tế này, các chuyên gia nhận định để các dự án “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đảm bảo về “chất” chứ không về “lượng” cần phải quy trách nhiệm rõ ràng cho các bên tham gia dự án. Theo Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, nhiều công trình giao thông hiện nay thường được phân chia thành nhiều gói thầu và nhiều nhà thầu tham gia, kể cả một số nhà thầu nhỏ có năng lực hạn chế đang gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý chất lượng dự án. Vì thế, ngay từ khâu lựa chọn nhà thầu cần phải đánh giá đúng năng lực, đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

Các cơ quan trực tiếp tham gia dự án thuộc Bộ GTVT cũng khẳng định: Muốn chất lượng công trình được nâng cao thì cần phải rà soát lại các khâu chính sách, nhằm quản lý chất lượng theo hướng minh bạch, chịu trách nhiệm (đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm), điều chỉnh bổ sung Nghị định 209/2004/NĐ-CP và Nghị định 49/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý các công trình xây dựng để phân cấp quản lý các công trình xây dựng.

Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể xây dựng dự án, tư vấn giám sát, các tổ chức tham gia giám sát; đồng thời Bộ GTVT cần hoàn thiện mô hình các BQLDA để áp dụng thống nhất với các BQLDA hiện nay, thống nhất quản lý chất lượng giám sát xây dựng của chủ đầu tư ngay tại hiện trường.

Trong vài năm trở lại đây, ngành giao thông có mức tăng trưởng khá mạnh (khoảng 30%/năm), nhưng cùng với sự phát triển “nóng” này, các công trình đã và đang lộ rõ nhiều bất cập. Vì vậy, Bộ GTVT cần làm rõ cơ chế quản lý an toàn chất lượng đối với các dự án xây dựng theo các hình thức khác nhau như: Dự án sử dụng vốn ngân sách, dự án ủy quyền chủ đầu tư cho các địa phương, dự án BOT, BTO, BT, PPP…

Đồng thời, sớm nghiên cứu lại các tiêu chuẩn phân cấp tải trọng xe trong thiết kế cầu, để có lựa chọn chính xác trong xây dựng các dự án giao thông nông thôn, miền núi, tăng tính linh hoạt giữa các vùng miền. Để nâng cao chất lượng công trình giao thông, rõ ràng có nhiều việc phải chấn chỉnh, đặc biệt là nâng cao năng lực của từng cơ quan, đơn vị theo hướng minh bạch, thống nhất, chịu trách nhiệm.

Ngay từ năm 2011, Bộ GTVT sẽ tập trung rà soát, siết chặt các khâu quản lý, với mục tiêu hiệu quả đầu tư phải đi đôi với kết cấu bền vững, các dự án phải đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.

Hạn chế nhất là khâu tư vấn, giám sát, thiết kế công trình

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình xây dựng giao thông Trần Quốc Việt cho biết: Tình trạng hư hỏng tại một số hạng mục của các công trình giao thông hiện nay một phần do chủ đầu tư.

Nhiều BQLDA khi được giao làm chủ đầu tư các dự án có quy mô lớn thường đã giao toàn bộ công tác quản lý chất lượng cho tư vấn, giám sát mà thiếu sự đánh giá về khả năng, hợp đồng giữa các bên lại không rõ ràng.

Vì vậy, khi xảy ra sự cố, cán bộ BQLDA không nắm được trình tự thi công, “tắc” trong tư vấn, giám sát, nghiệm thu. Đặc biệt, công tác tư vấn, giám sát, thiết kế công trình còn quá nhiều hạn chế.

Ngay từ bước lập dự án, thiết kế cơ sở chưa đảm bảo chất lượng, nên nhiều dự án phải điều chỉnh quy mô, thiết kế, dẫn tới mất thời gian, tốn kém kinh phí.

Nhiều doanh nghiệp tham gia thi công thua lỗ lớn

Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đỗ Văn Quốc cho biết: Có một thực tế đáng báo động là nhiều doanh nghiệp tham gia thi công đang rơi vào tình trạng thua lỗ lớn.

Đến nay, Bộ đã xử lý các tồn tại tài chính của nhiều công ty, tuy nhiên quá trình xử lý gặp không ít vướng mắc về cơ chế, thủ tục. Các tổng công ty xây lắp nhìn chung hiện nay có hệ số nợ cao, ngoài nguy cơ mất khả năng thanh toán còn làm cho chi phí lãi vay lớn, doanh nghiệp bị động dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp, không có tích lũy.

Do đó, Bộ cần thực hiện các giải pháp quyết liệt để nâng cao hiệu quả công tác quản trị tài chính của các doanh nghiệp, trong đó quản lý chặt công nợ để trước mắt không tăng thêm hệ số nợ, đồng thời phân loại công nợ phải thu và có biện pháp thu hồi đối với các khoản nợ đã quá hạn.

Thiếu vốn cho hoạt động bảo trì

Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ GTVT) Khuất Minh Tuấn cho biết: Hiện nay, nguồn vốn cho công tác bảo trì đường bộ do ngân sách nhà nước cấp chỉ đáp ứng được 50% so với nhu cầu thực tế, trong khi cùng với sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình giao thông được đầu tư ngày một nhiều hơn, vốn cho quản lý bảo trì cũng cần phải tăng theo.

Bộ GTVT đang trình Chính phủ dự thảo Quỹ Bảo trì đường bộ với mục tiêu xã hội hóa nguồn vốn cho hoạt động bảo trì, nếu dự thảo này được thông qua, sẽ đáp ứng được từ 70 - 80% nhu cầu nguồn vốn bảo trì.

Chất lượng công trình là cuộc sống

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn giám sát chất lượng công trình Thăng Long (Bộ GTVT) Nguyễn Duy Anh cho biết: Tiến độ, giá thành thấp đối với các công trình giao thông là những yếu tố quan trọng, nhưng công trình chất lượng và an toàn mới là yếu tố quyết định đến sự thành công, khẳng định thương hiệu và cuộc sống của người tư vấn.

Nhiều dự án hiện nay, công tác tư vấn giám sát, tư vấn quản lý công trình vấp phải không ít khó khăn, nhất là nguồn nhân lực. Theo quy định, để làm tư vấn giám sát dự án, kỹ sư phải có kinh nghiệm từ 3-5 năm thực tế và phải có năng lực làm việc độc lập, quyết đoán, chuyên môn cao.

Do đó, để có được những kỹ sư tư vấn tốt không phải là điều giản đơn, chưa kể nhiều dự án giao thông thường ở vùng sâu vùng xa, điều kiện sinh hoạt khó khăn, thiếu cơ chế bồi dưỡng.

Do đó, những người làm tư vấn giám sát cần có đạo đức nghề nghiệp, giữ vững lập trường, kiên định trong xử lý các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ, không bị tác động bởi chủ đầu tư và nhà thầu.

Nguyễn Tiến