11:05 01/11/2011

Năm 2011: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan

Nhẳm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, ngành Hải quan đã thực hiện nghiêm túc chương trình tổng thể cải cách hành chính và đạt được nhiều bước tiến mới trong quá trình thực hiện.

Nhẳm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, ngành Hải quan đã thực hiện nghiêm túc chương trình tổng thể cải cách hành chính và đạt được nhiều bước tiến mới trong quá trình thực hiện.

Đạt kết quả cao

Một trong những kết quả nổi bật của công tác cải cách hành chính (CCHC) là hệ thống văn bản pháp luật bao gồm Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tiếp tục được hoàn thiện, từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế. Tổng cục Hải quan trình Bộ, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 1 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng và 13 Thông tư.

Làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I (Cục Hải quan thành phố Hải Phòng). Ảnh: Hà Thái - TTXVN


Theo yêu cầu của Nghị quyết 25/NQ - CP và Nghị quyết 68/NQ - CP của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã tổng hợp, rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình thủ tục hải quan. Tổng số phương án đơn giản hoá TTHC đã được thực thi theo yêu cầu của 2 Nghị quyết trên là 111/135, bằng 82%; số văn bản đã được sửa đổi, ban hành mới là 19/27, bằng 70%.

Trong năm 2011, Tổng cục Hải quan đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) tại 7 Cục Hải quan mới, gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Tây Ninh, Long An. Tính đến 15/7/2011, đã có 20/33 Cục hải quan tỉnh, thành phố áp dụng TTHQĐT; 42.381 doanh nghiệp đăng ký tham gia, với 1.230.527 tờ khai được thực hiện TTHQĐT (chiếm tỷ lệ 68% tổng số tờ khai); số kim ngạch thực hiện TTHQĐT: 85.333 triệu USD (chiếm 66% tổng kim ngạch).

Ngành Hải quan cũng đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp nhận Hệ thống tự động hóa hải quan và một cửa quốc gia do Nhật Bản tài trợ với vốn đối ứng dự kiến là 68,157 tỷ.

Nâng cao hiệu quả công tác giám sát hàng hóa XNK, ngành Hải quan đã trang bị 2 hệ thống máy soi container do Nhật Bản tài trợ tại cảng Cát Lái TP.HCM và cảng Hải Phòng. Nhờ đó đã góp phần nâng cao năng lực và quản lý hải quan đồng thời góp phần hiện đại hóa hải quan ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Hiện hệ thống máy soi container tại Lao Bảo, Quảng Trị đang chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Tổng cục Hải quan cũng đã xây dựng Đề án quy hoạch địa điểm kiểm tra tập trung tại 14 Cục Hải quan địa phương trọng điểm; triển khai Quyết định 19/2011/QĐ - TTg ngày 23/3/2011 về thí điểm tiếp nhận bản khai hàng hóa, các chứng từ có liên quan và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh; xây dựng Đề án giám sát hải quan bằng thiết bị định vị GMS đối với hàng hóa vận chuyển bằng container chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất.

Về công tác thu thuế cho ngân sách nhà nước, Tổng cục Hải quan đã triển khai thoả thuận phối hợp thu giữa Tổng cục Hải quan - Kho Bạc Nhà nước - Tổng cục Thuế và các ngân hàng thương mại (Ngân hàng Công thương VN, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Quân đội) ở 32/33 Cục Hải quan; Tham gia xây dựng, trình Bộ Tài chính ký ban hành Thông tư 85/2011/TT - BTC về hướng dẫn quy trình tổ chức phối hợp thu ngân sách Nhà nước; triển khai kết nối trao đổi thông tin từ ngày 28/3/2011 với các ngân hàng.

Tiếp tục cải cách toàn diện

Mục tiêu tổng quát của Hải quan Việt Nam đến năm 2020 là xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, có cơ chế, chính sách đầy đủ, minh bạch, thủ tục hải quan đơn giản, hài hòa, đạt chuẩn mực quốc tế, trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu tập trung và áp dụng rộng rãi phương thức quản lý rủi ro, đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á. Xây dựng lực lượng Hải quan đạt trình độ chuyên nghiệp, chuyên sâu, có trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại hợp pháp, phát triển du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đảm bảo an ninh quốc gia, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Để đạt mục tiêu đó, ngành đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm cải cách, phát triển và hiện đại hóa đến năm 2015 là tiếp tục hoàn thiện các quy định về thủ tục hải quan nhằm: Đơn giản về hồ sơ và thủ tục; giảm các khâu, bước trong thủ tục; chuyển đổi mạnh mẽ phương thức thực hiện thủ tục hải quan từ thủ công sang hải quan điện tử và mô hình từng bước xử lý tập trung; hoàn thiện cơ chế phán quyết trước và các cơ chế tự khai, tự chịu trách nhiệm của các đối tượng thực hiện thủ tục hải quan; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật... Đảm bảo các chế độ hải quan đơn giản, hài hòa và tuân thủ các quy định của Công ước Kyoto sửa đổi và các chuẩn mực khác của WCO.

Hiện đại hóa hệ thống thu thập thông tin nghiệp vụ phục vụ cho công tác kiểm soát hải quan; hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ công tác kiểm soát hải quan; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về địa bàn hoạt động hải quan; nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống khủng bố, rửa tiền, phòng, chống ma túy...; Xây dựng và bổ sung các quy định pháp luật thực hiện cơ chế hải quan một cửa ASEAN năm 2012 và các thỏa thuận thương mại song phương, đa phương sẽ được ký kết trong giai đoạn 2011 - 2015; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức bộ máy của ngành Hải quan theo hướng kiện toàn hệ thống tổ chức hải quan ở từng cấp.

Hoạt động kiểm tra sau thông quan thực hiện theo thông lệ phổ biến của Hải quan các nước là Kiểm toán sau thông quan (PCA); đến 2015 kiểm tra sau thông quan thay thế dần kiểm tra trong thông quan;

Đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại như máy soi container, hệ thống camera giám sát, cân điện tử, kho, bãi chờ kiểm tra...

Bùi Thịnh