04:06 14/04/2017

Nã Tomahawk vào Syria, Mỹ muốn xáo lại ván bài ở Trung Đông

Cuộc không kích của Mỹ nhằm vào quân đội chính phủ Syria vừa qua đã đánh dấu một thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Mỹ đối với cuộc nội chiến dai dẳng bất phân thắng bại ở quốc gia Trung Đông này.

Tên lửa hành trình Tomahawk được bắn đi từ tàu USS Porter nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs, miền Trung Syria.

Tuy nhiên, chưa rõ tác động của cảnh báo “nóng” trên có được như ý muốn hay sẽ chỉ gây thêm đổ máu.

Bổn cũ soạn lại

Có vẻ như vũ khí hóa học luôn là lý do cấp thiết nhất để tiến hành một hành động quân sự chống lại một quốc gia nào đó, và Syria không phải là trường hợp ngoại lệ. Năm 2003, Mỹ đã xâm lược Iraq với cái cớ là Chính quyền Saddam Hussein sở hữu thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này, cáo buộc mà sau đó đã được chứng minh là vô căn cứ. Một nguồn tin tình báo sai lệch đã đem tai họa cho Iraq, đẩy quốc gia này chìm trong bất ổn hơn một thập kỷ qua với sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan, bè phái và một nền kinh tế kiệt quệ.

14 năm sau, nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng hóa học tại Idlib (Syria), Mỹ đã bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs (miền Trung Syria). Đây là vụ tấn công trực tiếp của Mỹ nhằm vào các lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad kể từ khi cuộc nội chiến bùng phát 6 năm trước. Giới quan sát lấy làm ngạc nhiên bởi một vụ tấn công hóa học nghiêm trọng như vậy lại có thể lập tức kéo theo một cuộc tấn công trả đũa mà không có sự điều tra kỹ lưỡng. Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án đây là “hành động xâm lược” một quốc gia có chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế với một cái cớ bịa đặt. Chính quyền Syria thì kiên quyết phủ nhận mọi dính líu đến vụ tấn công hóa học, đồng thời khẳng định các lực lượng vũ trang Syria chưa bao giờ và sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công.

Với cuộc không kích nhằm vào quân đội chính phủ al-Assad, Tổng thống Trump đã đi ngược lại với người tiền nhiệm Barack Obama, từng ở trong tình huống tương tự nhưng đã thoái lui. Tháng 8/2013, Chính quyền al-Assad đã bị quy trách nhiệm trong vụ tấn công vũ khí hóa học tại Ghouta, ngoại ô Damascus, làm khoảng 1.400 người thiệt mạng, vượt qua “giới hạn đỏ” do ông Obama vạch ra. Hai ngày sau vụ tấn công này, ông Obama tuyên bố sẵn sàng tấn công quân sự vào quân chính phủ Syria và nhận được sự ủng hộ của cả London và Paris.

Tuy nhiên, kịch bản này đã không diễn ra sau khi Moskva đề xuất tiêu hủy vũ khí hóa học tại Syria. 4 năm sau, lịch sử dường như đang lặp lại: các đồng minh NATO một lần nữa cáo buộc Chính phủ Syria thực hiện cuộc tấn công vô nhân đạo bằng vũ khí hóa học mới tại tỉnh Idlib. “Bóng ma” của sự can thiệp quân sự nước ngoài vào cuộc nội chiến ở Syria lại xuất hiện. Giới chuyên gia cảnh báo việc phát động một cuộc chiến tranh vào Syria sẽ giống như một “hành động tự sát”, bởi làm như vậy chẳng khác nào việc phát động chiến tranh thế giới lần thứ ba.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi


Hành động quân sự bất ngờ của Mỹ nhằm vào chính quyền al-Assad đã đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng ở Syria sau 6 năm chìm trong nội chiến. Sự việc này hoàn toàn trái ngược với lời kêu gọi của Tổng thống Trump về một cách tiếp cận không can thiệp vào Syria, hay tuyên bố hồi tuần trước của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, rằng “người dân Syria sẽ quyết định số phận của Tổng thống Assad”. Gần 60 quả tên lửa đã cho thấy sự chuyển hướng nhanh chóng trong cách tiếp cận của chính quyền mới ở Mỹ.

Sự thay đổi thái độ đột ngột này đã đẩy cục diện cuộc xung đột ở Syria vào thế nguy hiểm, khiến triển vọng giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở đây càng trở nên xa vời. Vụ tấn công gửi một thông điệp rõ ràng tới Tổng thống Assad: Mỹ sẽ dùng sức mạnh quân sự để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, kết quả của lời cảnh báo này vẫn chưa rõ ràng và sự việc đang làm dấy lên hàng loạt câu hỏi về định hướng chính sách đối với Syria sắp tới của Mỹ.

Gần đây, Tổng thống Trump đã triển khai 2.500 quân tới Syria và Iraq, cùng với khoảng 6.000 quân đang đồn trú tại hai quốc gia này, cho thấy Mỹ đang chuẩn bị cho một trận chiến cuối cùng chống IS. Bên cạnh đó, ý định của chính quyền Mỹ nhằm tạo ra “các khu vực an toàn” ở Syria cũng sẽ đòi hỏi Mỹ tăng đáng kể việc triển khai quân đội ở Syria. Nhưng tất cả những hành động này đang bị cản trở bởi tuyên bố của Tổng thống Assad rằng các lực lượng quân đội Mỹ “không được mời vào Syria” và xem họ là những “kẻ xâm lược”. Phải chăng vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Idlib chính là cái cớ để biến ông Assad lại trở thành mục tiêu cần loại bỏ nhằm dọn đường cho một cuộc chiến lấy danh nghĩa hỗ trợ nhân đạo và chống khủng bố? Số phận của Tổng thống Assad một lần nữa bị đánh cược bởi những cáo buộc rằng quân đội Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, một tội ác chiến tranh công khai và vô cùng nghiêm trọng.

Những diễn biến xung quanh cuộc không kích bất ngờ của Mỹ khiến Syria và cả khu vực lại rung chuyển và đe dọa kéo theo những hệ lụy khó lường, nhất là khi làm leo thang căng thẳng vốn có giữa các nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria. Chưa rõ Mỹ có thể đạt mục đích khi tiến hành cuộc tấn công gây tranh cãi này hay không, song hành động quân sự mới của Washington đã đẩy Syria và cả khu vực Trung Đông rơi vào vòng xoáy bất ổn mới.

Xa hơn thế, giới phân tích nhận định cuộc không kích của Mỹ còn có thể làm thay đổi các “lá bài” tại châu Á. Với việc chứng tỏ sẵn sàng sử dụng vũ lực, Chính quyền Tổng thống Trump đã khiến Trung Quốc bất ngờ và hoang mang về cách thức mà Washington có thể sử dụng để đáp trả các khiêu khích của Bình Nhưỡng. Trước đó, trong chuyến công du châu Á hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Barack Obama đã chấm dứt và “mọi lựa chọn đều đang đặt trên bàn”. Liệu Triều Tiên có thể là mục tiêu tiếp theo? Phải chăng cuộc không kích bằng tên lửa của Mỹ là mũi tên nhắm tới hai đích? Giới chuyên gia không đặt cược nhiều vào tính khả thi của kịch bản này, song chưa thể nói chắc điều gì về các quyết định trong tương lai của ông Trump. Rõ ràng từng diễn biến trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại Syria sẽ tác động tới tương quan lực lượng tại các điểm nóng khác cũng như các quan hệ quốc tế, và cuộc không kích ngày 7/4 của Mỹ đã trở thành một nhân tố thay đổi cuộc chơi.

Cuộc nội chiến bước sang năm thứ 7 tại Syria đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Dù nguyên nhân thực sự là những lo ngại về thương vong cho người dân, hay là gì đi chăng nữa, cuộc không kích chớp nhoáng của Washington đang kéo theo những hệ quả khó lường. Câu hỏi đặt ra là dân thường nằm ở đâu trong các chiến lược của các nước lớn khi can thiệp vào Syria? Một câu hỏi lớn vẫn đang bỏ ngỏ...

Bạch Dương/CTV