05:11 21/05/2015

Myanmar đồng ý đàm phán về người di cư tại Thái Lan

Myanmar sẽ tham gia đàm phán về vấn đề người di cư Rohingya tại Thái Lan, vào ngày 29/5 tới.

Theo hãng tin Bernama ngày 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Thant Kyaw khẳng định rằng nước này sẽ tham gia đàm phán về vấn đề người di cư Rohingya tại Bangkok, Thái Lan, vào ngày 29/5 tới.

Trước đó, việc Myanmar có tham gia cuộc đàm phán này hay không vẫn là một câu hỏi vì chính quyền Nay Pyi Taw không coi người Rohingya (khoảng hơn 1 triệu người) là công dân nước này.

Người di cư được đưa vào bờ biển gần thành phố Geulumpang, tỉnh Aceh, Indonesia sau khi được cứu. Ảnh: AFP/TTXVN


Ông Kyaw cho biết Myanmar sẽ nhận lại những thuyền nhân nếu họ là công dân nước này và nêu rõ: "Nếu họ là người Myanmar, Chính phủ Myanmar sẽ có nghĩa vụ đưa họ trở về''.

Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho hay Thái Lan sẽ quyết định xem có cho phép những người di cư vào khu vực bờ biển của nước này hay không sau cuộc hội đàm ngày 29/5.

Thái Lan là một quốc gia quá cảnh cho những người di cư và mặc dù nước này có nhiều vấn đề về nội bộ hơn các nước khác nhưng Bangkok đã nhất trí phải tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề trên.

Cuộc họp do Thái Lan đăng cai tổ chức sẽ thu hút sự tham gia của ít nhất 18 nước, trong đó có Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Myanmar, và 3 tổ chức quốc tế.

Malaysia hỗ trợ phân phát cứu trợ nhân đạo

Hãng thông tấn Bernama của Malaysia ngày 20/5 dẫn nguồn tin cho biết Thủ tướng nước này Datuk Seri Najib Tun Razak đã chỉ đạo Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) và Cơ quan thực thi luật biển Malaysia (MMEA) hỗ trợ MERCY Malaysia - một tổ chức tình nguyện hỗ trợ các dịch vụ y tế và nhân đạo, thực hiện phân phát hàng cứu trợ nhân đạo cho người tị nạn Rohingya cả ở trên biển và đất liền.

Bernama dẫn lời Thủ tướng Najib cho hay "đây là hành động để đảm bảo rằng những người bị đói sẽ nhận được thức ăn và nước uống, những người bị ốm sẽ nhận được thuốc men và sự chăm sóc y tế".

Gambia cùng ngày cũng tuyên bố sẽ tiếp nhận toàn bộ thuyền nhân Rohingya như một phần "trọng trách" của nước này nhằm giảm bớt sự khốn khổ của các tín đồ Hồi giáo đang tìm cách di cư tại nhiều khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, hôm 10/5, 1.158 người tị nạn Bangladesh và người Rohingya từ Myanmar đã di cư bất hợp pháp bằng đường biển tới đảo Langkawi, bang Kedah, Malaysia. Đây là con số thống kê lớn nhất trong một đợt di cư từ trước tới nay.


TN