05:07 30/05/2015

Myanmar, Bangladesh nhất trí giải quyết vấn đề di cư

Tại hội nghị khu vực về khủng hoảng di cư, Myanmar và Bangladesh đã nhất trí sẽ giải quyết "các nguyên nhân gốc rễ" gây ra cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Tại hội nghị khu vực về khủng hoảng di cư diễn ra ngày 29/5 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, Myanmar và Bangladesh đã nhất trí sẽ giải quyết "các nguyên nhân gốc rễ" gây ra cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Hội nghị khu vực về khủng hoảng người di cư tại Bangkok ngày 29/5. Ảnh: THX/TTXVN


Theo các thông tin tại chỗ, hội nghị kéo dài một ngày đã kết thúc với nhiều kiến nghị và đề xuất được đưa ra nhằm bảo vệ những người di cư đang mắc kẹt trên biển, ngăn ngừa các cuộc di cư, buôn bán người, cũng như giải quyết các nguyên nhân gốc rễ và cải thiện cuộc sống của cá cộng đồng đang gặp nguy hiểm.

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết hội nghị diễn ra trên tinh thần rất xây dựng. Toàn bộ 17 quốc gia tham dự đều nhất trí với văn kiện cam kết hỗ trợ nhân đạo 2.500 người di cư đang lênh đênh trên biển, cũng như 3.500 người đã được đưa vào các bờ biển của Thái Lan, Malaysia và Indonesia từ hôm 1/5. Văn kiện cũng cam kết sẽ giải quyết "các nguyên nhân gốc rễ", trong đó có việc thúc đẩy kinh tế, nhân quyền và an ninh tại các quốc gia có đông người di cư.

Hội nghị cũng đã đề xuất tăng cường các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ nhằm đảm bảo an toàn cho những người di cư trên biển, cũng như đảm bảo Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức di cư quốc tế (IOM) có thể tiếp cận những người di cư. Hội nghị cũng đề xuất cần đặc biệt chú ý bảo vệ những nhóm người dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Về trung hạn, hội nghị đề xuất tăng cường việc thực thi pháp luật nhằm đối phó với tình trạng buôn bán người, tăng cường hợp tác trong việc xoá bỏ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường luật pháp và các kênh di dân an toàn, phù hợp giữa các nước liên quan nhằm ngăn chặn các hoạt động di cư trái phép.

Người di cư được đưa vào bờ biển gần thành phố Geulumpang, tỉnh Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN


Ngoài ra, các đại biểu tham dự hội nghị còn nhất trí duy trì các cuộc thảo luận trong tương lai, cũng như đưa vấn đề trên ra các cuộc họp liên quan, trong đó có các cuộc tham vấn song phương, Hội nghị cấp bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tội phạm xuyên quốc gia do Malaysia chủ trì và Tiến trình Bali về nạn buôn bán người và tội phạm xuyên quốc gia.

Cùng ngày, các nguồn tin chính thức cho biết Hải quân Myanmar đã bắt giữ thêm 727 người di cư ở ngoài khơi khu vực Ayeyawaddy, phía Tây Nam nước này. Toàn bộ số người này, gồm 74 phụ nữ, 45 trẻ em và 608 đàn ông, bị bắt giữ khi đang trên một thuyền đánh cá. Những người này đã được đưa lên đảo Haigyi và hiện chưa rõ điểm xuất phát cũng như điểm đến của chiếc tàu trên.

Trước đó hôm 21/5, Hải quân Myanmar cũng đã chặn được 2 thuyền đánh cá ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Maungtaw, trong đó có một thuyền chở 208 người và một thuyền trống. Trong số này có 200 người Bangladesh và họ đang được sắp xếp cho hồi hương theo thoả thuận đạt được giữa giới chức hai nước.

Hiện các quốc gia châu Á đang phải vật lộn với tình trạng người di cư lênh đênh trên các vùng biển của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong những tuần qua, ước tính đã có 3.000 người dạt vào bờ hoặc được ngư dân giải cứu. Phần lớn thuộc tộc người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar và người Bangladesh muốn rời khỏi đất nước để thoát khỏi nghèo đói.


TTXVN/Tin tức