05:06 21/05/2014

Mỹ xây dựng lại cấu trúc liên minh

Khi cuộc đối đầu với Nga gia tăng, Mỹ nhận thấy cần phải đánh giá, định hình lại và tăng cường mạng lưới liên minh. Từ khu vực Baltic đến Trung và Đông Âu, Washington đang củng cố sự can dự.

Khi cuộc đối đầu với Nga gia tăng, Mỹ nhận thấy cần phải đánh giá, định hình lại và tăng cường mạng lưới liên minh. Từ khu vực Baltic đến Trung và Đông Âu, Washington đang củng cố sự can dự. Cùng lúc đó, Mỹ mở rộng vòng cung xuống phía Nam, hình thành nên cấu trúc an ninh mới, bắt đầu với Iran, tới khu vực Caucasus qua Azerbaijan và vòng sang phía tây tới Thổ Nhĩ Kỳ.


Với Iran, các cuộc đàm phán Mỹ - Iran đang bước vào giai đoạn quan trọng khi các nhà đàm phán phải đưa ra được chi tiết của thỏa thuận hạt nhân trước thời hạn chót ngày 20/7. Có hai mặt trong chiến lược đối với Iran từ quan điểm của Mỹ. Một mặt, Mỹ theo đuổi mối quan hệ đối tác chiến lược với Iran, mặt khác Mỹ sẽ tìm cách cân bằng quan hệ với nước này bằng sự hiện diện mạnh mẽ của các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC). Nói cách khác, Washington muốn duy trì một cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa Iran và các nước vùng Vịnh, phù hợp với chiến lược cân bằng quyền lực rộng lớn hơn của Mỹ.

 

Tàu chiến USS Donald-Cook của Mỹ qua cảng Boshporus, Thổ Nhĩ Kỳ, trên đường đến Biển Đen ngày 10/4. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhìn lên hướng Bắc, Azerbaijan là quốc gia nhỏ nhưng có tầm quan trọng chiến lược của Mỹ ở khu vực. Washington đã không chú ý nhiều tới Baku những năm gần đây, nhưng điều này đã thay đổi khi Mỹ đang tìm kiếm đồng minh có vị trí tiếp giáp với Nga, đặc biệt là những nước không bị lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Azerbaijan sẽ vẫn giữ cách tiếp cận thận trọng với Mỹ và Nga khi nước này chờ đợi những hỗ trợ cụ thể hơn từ Washington. Những thứ mà Baku đang mong chờ như các thỏa thuận vũ khí đến việc hậu thuẫn chính trị và tài chính cho đường ống dẫn dầu xuyên Caspi, giúp kết nối nguồn năng lượng từ Trung Á tới Azerbaijan sang châu Âu. Hiện còn quá sớm để đánh giá Washington sẽ sẵn sàng đến đâu trong việc trợ giúp Azerbaijan, nhưng rõ ràng đây là quốc gia mà Mỹ sẽ phải tìm cách can dự trong chiến lược đối với Caucasus.


Tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có mối quan hệ không mấy tốt lành với Mỹ dưới thời Thủ tướng Erdogan. Chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến nước này bị cô lập trên một số mặt trận. Nhưng với vai trò là người gác cổng vào khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là chỗ dựa quan trọng cho bất kỳ chiến lược nào của Mỹ để tạo thế cân bằng với Nga. Đang có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đầu tư nhiều vốn liếng chính trị hơn cho Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ổn định quan hệ với đồng minh chông chênh này.


Ở đảo Síp, người Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội tăng cường hợp tác với Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, hy vọng rằng việc giải quyết tranh chấp với đảo này sẽ giúp khôi phục uy tín của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực Đông Địa Trung Hải, nơi Israel và đảo Síp đang hợp tác khai thác các mỏ khí tự nhiên ngoài khơi mà bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ. Israel, quốc gia muốn khôi phục quan hệ chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ, đang thúc đẩy xây dựng đường ống dẫn khí đến nước này, nhưng các kế hoạch này chỉ được thực hiện nếu Ankara và Nicosia giải quyết được bất đồng và tranh chấp lãnh hải. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt ra một mốc thời gian tham vọng nhằm đạt được thỏa thuận với đảo Síp vào cuối năm 2014. Tuy nhiên, điều mà nước này cần hiện nay là một áp lực mạnh mẽ từ bên ngoài nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán này.


Từ ngày 21-23/5, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có chuyến thăm hiếm hoi tới đảo Síp, tại đây ông sẽ có cuộc gặp với cả giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng sẽ có chuyến thăm tới đây trong những tuần tới. Dù vẫn còn một số thách thức đối ngoại đang diễn ra, song có vẻ như Mỹ sẵn sàng đưa ra những hỗ trợ ngoại giao cần thiết để phá vỡ cuộc xung đột ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Dù Mỹ có thành công hay không trong nỗ lực này vẫn còn chưa rõ, nhưng chỉ riêng nỗ lực này đã thu hút sự chú ý của Ankara. Từ những cử chỉ rõ ràng ở Riyadh đến thảo luận kín tại Baku và một cuộc đàm phán đang diễn ra tại đảo Síp, đây là những mảnh ghép nhỏ trong một chiến lược lớn hơn của Mỹ tại khu vực.

 

Quang Tuyến (Theo mạng tin “Stratfor”)