05:06 07/05/2014

Mỹ và EU thay đổi chính sách với Ai Cập

Thời gian gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước đang dần khôi phục mối quan hệ đồng minh với Ai Cập.

Thời gian gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước đang dần khôi phục mối quan hệ đồng minh với Ai Cập. Một trong những bằng chứng là sau nhiều tháng trì hoãn, cuối cùng Mỹ cũng tuyên bố sẽ chuyển giao 10 máy bay trực thăng Apache cho Ai Cập ngay trước chuyến thăm Mỹ mới đây của Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy.

 

Ngoại trưởng Ai Cập Fahmy (phải) gặp Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon tại New York ngày 1/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Một số nhà phân tích cho rằng quan hệ giữa Ai Cập và Mỹ đang trở lại bình thường sau nhiều tháng "băng giá", khi Washington quyết định giải ngân một phần viện trợ hàng năm cho Cairo. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết Washington sẽ phân bổ 650 triệu USD trong tổng số 1,5 tỷ USD tiền viện trợ quân sự hàng năm cho Ai Cập trong năm 2014. Guéhad Ouda, Giáo sư Quan hệ quốc tế tại Đại học Hélouan, nhận định: "Washington muốn dần khôi phục mối quan hệ bình thường với Cairo. Mỹ có lợi ích trực tiếp với Ai Cập và người Mỹ không muốn từ bỏ Cairo. Khoản tiền 650 triệu USD được Washington giải ngân cho các chương trình chống khủng bố và an ninh biên giới". Theo Giáo sư Ouda, trên thực tế, Mỹ cần Ai Cập đóng vai trò trung gian hòa giải trong khu vực. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề quốc phòng đã tuyên bố rằng "các động thái này phục vụ lợi ích chiến lược của Mỹ".


Một bằng chứng nữa về việc Mỹ thay đổi chính sách với Ai Cập là đầu tháng 4 vừa qua, Washington đã tuyên bố liệt tổ chức Ansar Bayt al-Maqdis vào danh sách các tổ chức khủng bố. Chính phủ Ai Cập lâu nay vẫn khẳng định rằng đây là một tổ chức có liên hệ chặt chẽ với tổ chức Anh em Hồi giáo.


Ngoài lợi ích chiến lược, một yếu tố khác thúc đẩy sự cải thiện quan hệ giữa Cairo và Washington là Nga. Sau khi Mỹ đình chỉ viện trợ cho Ai Cập, Cairo đã tìm cách tăng cường quan hệ với Moskva. Chuyên gia Yousry Al-Azabawy, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược thuộc tuần báo "Al-Ahram", giải thích rằng Nga muốn trở thành một đối tác chiến lược của Ai Cập để giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông và châu Phi.
Trước đó đã rò rỉ một số thông tin về việc một phái đoàn Nga đến Cairo để bàn thảo về hợp đồng bán cho Ai Cập 24 chiếc máy bay MiG-35s, loại máy bay chiến đấu hàng đầu của Nga chưa từng được bán cho quốc gia nào. Tháng 2 vừa qua, hai nước đã công bố một hợp đồng, trong đó Ai Cập mua của Nga các loại máy bay MiG-29s và Mi-35, với tổng trị giá 3 tỷ USD. Lần này, việc Nga chuyển giao cho Ai Cập máy bay MiG-35s chắc chắn sẽ gây lo ngại cho Washington.


Trước chuyến thăm của ông Fahmy, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã khẳng định rằng ông đang chứng minh cho Quốc hội Mỹ thấy rằng Mỹ đang duy trì mối quan hệ chiến lược với Ai Cập. Ngoại trưởng Kerry cho biết ông luôn cố gắng phục hồi quan hệ với Ai Cập và hàn gắn sự khác biệt giữa hai nước. Ông lo ngại nếu Mỹ tỏ ra quá cứng rắn, nhất là trong vấn đề cung cấp vũ khí cho Ai Cập thì nước này sẽ chuyển hướng sang mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.


Không chỉ Mỹ, EU cũng có những động thái hòa dịu với Ai Cập. Trong chuyến thăm Ai Cập vừa qua, Đại diện cấp cao của EU phụ trách an ninh và đối ngoại, bà Catherine Ashton, đã gặp Tổng thống lâm thời Adly Mansour và ông Sisi cùng nhiều quan chức thuộc chính quyền hiện nay, song không tiếp xúc với Tổ chức Anh em Hồi giáo. Trong chuyến thăm này, bà Ashton khẳng định EU sẽ cử phái đoàn quan sát viên đến giám sát cuộc bầu cử tổng thống sắp tới tại Ai Cập. Mặc dù bà Ashton cũng bày tỏ những quan ngại về các bản án tử hình ngày càng nhiều ở Ai Cập, cũng như các vụ bắt bớ các phóng viên và nhà hoạt động, nhưng rõ ràng những lo ngại ấy không thể lấn át quyết tâm của EU trong việc khôi phục quan hệ với Ai Cập. Nhiều người nghi ngờ rằng phải chăng EU đang đặt những lợi ích về thương mại lên trên các giá trị nhân quyền và đang hợp pháp hóa cuộc đảo chính do ông Sisi tiến hành.


Phạm Phú Phúc (Theo trang mạng "Al-Monitor")