03:08 31/03/2021

Mỹ và đồng minh ra tuyên bố chung phản bác báo cáo nguồn gốc COVID-19

Mỹ đã ra tuyến bố chung với 13 đồng minh (trong đó có Anh, Nhật Bản và Australia), nói rằng báo cáo của WHO về nguồn gốc đại dịch COVID-19 thiếu dữ liệu và mẫu cần thiết.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tuyên bố chung, Mỹ và các nước kêu gọi đánh giá độc lập, minh bạch toàn diện về báo cáo. Liên minh châu Âu đã kêu gọi cho phép các nhà nghiên cứu tiếp cận nhiều hơn thông tin và điều tra thêm.

Theo kênh CNN, ngày 30/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo, Tổng thống Joe Biden cho rằng người Mỹ xứng đáng được biết thông tin rõ ràng hơn về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Bà Psaki nói: “Tổng thống Mỹ cho rằng người dân Mỹ, cộng đồng toàn cầu, chuyên gia y tế, bác sĩ, tất cả những ai đang cứu mạng người, những gia đình đã mất người thân, tất cả đều xứng đáng biết thông tin minh bạch hơn”. Bà Psaki kêu gọi Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu và câu trả lời cho cộng đồng toàn cầu.

Theo bà Psaki, báo cáo của WHO không giúp mọi người hiểu rõ hơn chút nào về nguồn gốc đại dịch so với cách đây 6 tới 9 tháng. Báo cáo cũng không có hướng dẫn hay biện pháp để phòng trách kịch bản tương tự xảy ra trong tương lai.

Tới ngày 31/3, 219 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận gần 129 triệu ca mắc COVID-19 và 2,8 triệu ca tử vong từ khi Trung Quốc báo cáo các ca bệnh đầu tiên cho WHO hồi tháng 12/2019. Trên 31 triệu người Mỹ đã mắc COVID-19, trong đó trên 564.000 người tử vong. 

Trước đó, báo cáo dài 120 trang của WHO cho rằng kịch bản rất có khả năng xảy ra là virus SARS-CoV-2 lan từ vật chủ động vật trung gian (có thể là động vật hoang dã bị bắt và nuôi nhốt). Cuộc điều tra của WHO không tìm thấy loài động vật bị dơi truyền virus sang.

Một kịch bản có thể xảy ra nữa là truyền virus trực tiếp từ một loài động vật mang virus Corona sang người.

Hai kịch bản còn lại bị coi là không có khả năng xảy ra: lan qua thực phẩm đông lạnh và rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Kịch bản rò rỉ từ phòng thí nghiệm được WHO coi là giải thiết ít khả năng xảy ra nhất.

Dù vậy, Tổng giám đốc WHO cho rằng vẫn phải điều tra thêm kịch bản rò rỉ từ phòng thí nghiệm và cần thêm các chuyến công tác liên quan các chuyên gia đặc trách.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Chính trị hóa vấn đề này sẽ chỉ cản trở hợp tác toàn cầu trong nghiên cứu về nguồn gốc dịch bệnh, làm phương hại tới hợp tác chống đại dịch và khiến nhiều người nữa mất mạng”.

Thùy Dương/Báo Tin tức