04:08 04/04/2012

Mỹ treo thưởng 10 triệu USD để bắt trùm khủng bố Pakixtan

Mỹ ngày 2/4 đã treo thưởng 10 triệu USD cho những người cung cấp thông tin giúp bắt giữ Hafiz Mohammad Saeed, thủ lĩnh nhóm phiến quân Hồi giáo Lashkar-e-Taiba (LeT) - tổ chức bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công khủng bố tại Mumbai, Ấn Độ, cách đây 4 năm làm 166 người thiệt mạng.

Mỹ ngày 2/4 đã treo thưởng 10 triệu USD cho những người cung cấp thông tin giúp bắt giữ Hafiz Mohammad Saeed, thủ lĩnh nhóm phiến quân Hồi giáo Lashkar-e-Taiba (LeT) - tổ chức bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công khủng bố tại Mumbai, Ấn Độ, cách đây 4 năm làm 166 người thiệt mạng.

Khoản treo thưởng trên, được đăng trên trang web "Phần thưởng cho Công lý" của Chính phủ Mỹ, do Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đang ở thăm Ấn Độ công bố. Đâu là một trong những khoản treo thưởng cao nhất của Mỹ, tương đương với khoản thưởng mà Mỹ "rao" để có được thông tin về thủ lĩnh tối cao của phiến quân Taliban ở Ápganixtan Mullah Omar. Chỉ có những thông tin liên quan thủ lĩnh hiện nay của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, tên Ayman al-Zawahiri, là được trả cao hơn (25 triệu USD).


Hafiz Mohammad Saeed, thủ lĩnh nhóm phiến quân Hồi giáo Lashkar-e-Taiba (LeT). Nguồn: Internet 


Ngoài ra, Chính phủ Mỹ cũng đã treo thưởng 2 triệu USD cho người cung cấp thông tin giúp bắt giữ Hafiz Abdul Rahman Makki, kẻ được mô tả là thủ lĩnh số hai của LeT và là em rể của Saeed.

Saeed thành lập nhóm phiến quân LeT vào những năm 1980 của thế kỷ trước và được chính quyền Pakixtan ngầm hậu thuẫn. Năm 2002, dưới sức ép của Mỹ, tổ chức này đã bị Pakixtan cấm hoạt động. Tuy nhiên, LeT vẫn tiếp tục hoạt động núp dưới danh nghĩa tổ chức từ thiện Jamaat-ud-Dawa. Mỹ đã liệt cả hai tổ chức này vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.

Trước đó, ngày 27/3, Saeed từng có bài diễn thuyết trước hàng nghìn người tuần hành tại thủ đô Ixlamabát để kêu gọi chính quyền Pakixtan không mở lại các tuyến đường tiếp tế chính cho các lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Ápganixtan.

Quan hệ giữa Mỹ và Pakixtan xấu đi nghiêm trọng sau vụ không kích qua biên giới nhằm vào hai trạm kiểm soát của Pakixtan, làm 24 binh sĩ nước này thiệt mạng hồi tháng 11/2011. Các nghị sĩ Pakixtan đã yêu cầu Mỹ xin lỗi về vụ việc trên, đồng thời đòi áp phí quá cảnh đối với các đoàn xe tiếp vận của NATO và yêu cầu Mỹ ngừng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm tiêu diệt các phần tử vũ trang ở các khu vực trên biên giới giáp Ápganixtan.

TTXVN/ Tin Tức