02:11 29/02/2012

Mỹ thử nghiệm siêu pháo

Ngày 28/2, Hải quân Mỹ cho biết một nguyên mẫu chế tạo pháo điện từ đang được thử nghiệm tại Trung tâm Phát triển vũ khí trên mặt nước Dahlgren tại Bắc bang Vơginia (Virginia).

Ngày 28/2, Hải quân Mỹ cho biết một nguyên mẫu chế tạo pháo điện từ đang được thử nghiệm tại Trung tâm Phát triển vũ khí trên mặt nước Dahlgren tại Bắc bang Vơginia (Virginia).

Siêu pháo có thể bắn 10 viên/ phút, tốc độ đạn lên tới 9010 km/giờ, tầm bắn 160 km.


Đây là một loại pháo siêu mạnh với tầm bắn hơn 160 km và đạn pháo có thể bay nhanh gấp nhiều lần tốc độ âm thanh, được phát triển để trang bị cho các tàu chiến của Hải quân Mỹ. Nó gồm các đường ray song song, sử dụng từ trường và dòng điện, thay cho hóa chất, để sản sinh ra năng lượng bắn đạn đi.

Trong giai đoạn thử nghiệm này, các kỹ sư đang tập trung nghiên cứu sức bền của vỏ và sự toàn vẹn của cấu trúc bởi loại pháo này có thể bắn các viên đạn bay ở tốc độ 9.010 km/giờ, nhanh hơn 7 lần so với tốc độ âm thanh.

Hải quân Mỹ cần có thêm các nghiên cứu và phát triển trong vòng 5 năm tới để đảm bảo loại vũ khí này có thể nguội và đủ khả năng chịu đựng khi bắn liên tục 10 viên đạn trong một phút.

Hiện các kỹ sư cũng đang nghiên cứu để đảm bảo quả đạn pháo nặng gần 18 kg có thể chịu được nhiệt và trọng lực khi bắn đi mà không bị phân tách. Đồng thời họ cũng cần đảm bảo bất cứ thiết bị điện tử nào trong đạn pháo, như hệ thống định vị GPS, đều an toàn.

Theo các chuyên gia nghiên cứu của Hải quân Mỹ, "cỗ máy hủy diệt" này cho phép tàu chiến yểm trợ hiệu quả cho lực lượng thủy quân lục chiến đổ bộ lên bờ biển. Nó cũng có thể tấn công tàu chiến đối phương và đối chọi với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Hiện pháo 127 li trang bị cho các tàu khu trực có tầm bắn khoảng 24km. Hải quân Mỹ đã thực hiện nghiên cứu phát triển loại vũ khí này kể từ năm 2005 với chi phí 240 triệu USD. Chương trình dự kiến sẽ tiếp tục được tài trợ đến hết năm 2017. Trong tháng Tư tới, nguyên mẫu thử siêu pháo điện từ thứ hai sẽ được chuyển đến lực lượng hải quân Mỹ để thử nghiệm.


TTXVN/Tin tức