04:14 16/04/2017

Mỹ tấn công Triều Tiên: Chuyện đâu có dễ như đối với Syria

Mỹ bất ngờ trút 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk xuống căn cứ không quân Syria mà không vấp phải đòn kháng cự hay trả đũa nào. Nhưng một đòn tấn công tương tự với Triều Tiên sẽ không dễ dàng như vậy.

Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukkuksong của Triều Tiên tham gia diễu binh ngày 15/4.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một số hiệp ước ràng buộc các bên, nguy cơ bất ổn do năng lực sẵn sàng hạt nhân của Triều Tiên và quy mô vũ trang của cả hai phía là những yếu tố đang duy trì một thoả thuận ngừng bắn mong manh trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, vụ tấn công bất ngờ bằng tên lửa theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump xuống căn cứ không quân Syria hôm 6/4, cộng với việc Mỹ đang gia tăng gấp đôi các hoạt động đe doạ quân sự đã dẫn đến những đồn đoán rộng rãi rằng Bình Nhưỡng có thể là mục tiêu tiếp theo của một hành động quân sự đơn phương.

Chính quyền Mỹ cũng không còn úp mở gì nữa về lựa chọn quân sự với Triều Tiên, nhưng có nhiều lý do cho thấy, một cuộc tấn công giáng xuống Triều Tiên sẽ gây ra những hậu quả ghê gớm hơn nhiều so với Syria.

Tại sao Mỹ không thể tấn công Triều Tiên như Syria?

Bán đảo Triều TIên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Chiến sự đã kết thúc vào ngày 27/7/1953 theo một Hiệp định đình chiến ký giữa Washington và Bắc Kinh. Nếu Mỹ kích hoạt một vụ tấn công, chính họ sẽ phá vỡ thoả thuận đã được Liên hợp quốc xác nhận này.

Những khác biệt quan trọng nhất giữa Triều Tiên và Syria là gì?

Syria được cho là mới đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã thuần thục hơn trong những năm gần đây. Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân và tuyên bố thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân, dù những tuyên bố như vậy chưa từng được kiểm chứng độc lập.

Triều Tiên phô trương dàn vũ khí trong cuộc diễu binh nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Triều Tiên cũng trải qua một loạt thất bại trong các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan hồi năm ngoái, nhưng các chuyên gia quân sự tin rằng, họ đã rút được bài học từ những thất bại đó và có thể phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân phóng tới Mỹ trong vòng 4 năm tới - ngay trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump.

 Tại sao Trung Quốc phải đứng cùng chiến tuyến với Triều Tiên?

Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên. Năm 1961, hai nước đã ký Hiệp ước Hợp tác hữu nghị và Tương trợ lẫn nhau, theo đó hai bên có trách nhiệm phải lập tức trợ giúp quân sự và các trợ giúp khác cho bên kia trong trường hợp bị một bên thứ ba tấn công. Hiệp ước này đã được gia hạn hai lần và có hiệu lực đến năm 2021.

Tại sao Trung Quốc theo đuổi giải pháp hoà bình và phản đối lựa chọn vũ lực của Mỹ?

Trung Quốc lo ngại các tỉnh biên giới nước này sẽ tràn ngập người tị nạn Triều Tiên nếu xung đột xảy ra. Nhìn từ quan điểm địa chính trị, Bắc Kinh coi Bình Nhưỡng như một vùng đệm trước bất cứ cuộc xâm phạm tiềm tàng nào từ các đồng minh của Mỹ, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bên cạnh Trung Quốc, còn nước nào phản đối tấn công Triều Tiên?

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều nghiêng về giải pháp phi quân sự hơn. Thủ đô Seoul của Hàn Quốc nằm cách biên giới liên Triều chỉ 40km và đặc biệt nhạy cảm đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Triều Tiên.

Sam Gardiner, một đại tá Không lực Mỹ nghỉ hưu, đã trả lời phỏng vấn tạp chí The Atlantic rằng, Mỹ “không thể bảo vệ Seoul, ít nhất trong 24 giờ đầu của cuộc chiến, thậm chí có thể trong 48 giờ đầu”.

Ngay cả cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người từng xem xét nghiêm túc về lựa chọn đánh bom lò phản ứng Yongbyon của Triều Tiên hồi năm 1994, cũng được các quan chức quân sự thuyết phục rằng, cường độ, quy mô của một cuộc chiến với Triều Tiên “sẽ lớn hơn bất cứ cuộc chiến nào mà thế giới chứng kiến kể từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên gần nhất” (1950-53).

Phan Long/Báo Tin Tức