08:06 03/08/2011

Mỹ tạm thời thoát cuộc vỡ nợ

Sau chuỗi ngày đàm phán dài dằng dặc và căng thẳng, có lúc tưởng chừng đã đi vào bế tắc, nước Mỹ và cả thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi Thượng viện Mỹ lúc 23 giờ 30 ngày 2/8 đã “nối gót” Hạ viện thông qua dự luật nâng mức trần nợ công với 74 phiếu thuận và 26 phiếu chống.

Sau chuỗi ngày đàm phán dài dằng dặc và căng thẳng, có lúc tưởng chừng đã đi vào bế tắc, nước Mỹ và cả thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi Thượng viện Mỹ lúc 23 giờ 30 ngày 2/8 (giờ Việt Nam) đã “nối gót” Hạ viện thông qua dự luật nâng mức trần nợ công với 74 phiếu thuận và 26 phiếu chống. Vậy là vỡ nợ - điều tồi tệ nhất và chưa từng xảy ra với nước Mỹ - đã được ngăn chặn khi thời hạn chót chỉ còn tính bằng giờ....

Một người dân theo dõi kết quả bỏ phiếu dự luật nâng trần nợ công tại Hạ viện Mỹ qua ti vi. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước đó, với tỷ lệ 269 phiếu thuận và 161 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 1/8 đã thông qua dự luật nâng mức trần nợ công. Để giúp dự luật vượt qua “ải” này, Chủ tịch Hạ viện John Boehner và Phó Tổng thống Joe Biden đã phải đấu tranh để giành sự ủng hộ của các nghị sĩ cấp cao thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.
Phát biểu với báo chí, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi, cho biết bà dù không thích dự luật nhưng vẫn bỏ phiếu thông qua vì nó có một số điểm được coi là thành công.

Dự luật được thông qua tại cả hai viện cho phép chính phủ Mỹ vay thêm tiền để thanh toán các khoản nợ sau thời hạn chót 24 giờ đêm 2/8 (11 giờ ngày 3/8, giờ VN). Mức trần nợ công sẽ được nâng lên thêm ít nhất 2.100 tỷ USD (từ mức cũ 14.300 tỷ USD) và cắt giảm khoảng 2.500 tỷ USD chi tiêu của chính phủ trong vòng 10 năm, song đúng theo ý nguyện của đảng Cộng hòa là không tăng thuế đối với người giàu và các doanh nghiệp.

Phản ứng trước việc Mỹ thông qua việc nâng trần nợ công, báo chí Trung Quốc, nước nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, nhận định rằng việc này tiềm ẩn nhiều rủi ro và vấn đề với nền kinh tế Mỹ. Một bài viết trên People’s Daily khẳng định: “Dù Mỹ tránh được vỡ nợ nhưng vấn đề nợ công vẫn chưa được giải quyết. Nợ chỉ được hoãn lại và có xu hướng sẽ phình to. Điều này đang phủ bóng đen lên tiến trình phục hồi nền kinh tế Mỹ và tiềm ẩn rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế toàn cầu”.

Dù dự luật được thông qua tại Hạ viện nhưng thông tin này không đem lại ấn tượng cho các TTCK châu Á phiên 2/8. Nguyên nhân là giới đầu tư lại lo ngại về các số liệu kinh tế yếu kém và khả năng Mỹ lần đầu tiên bị hạ bậc tín dụng. Chỉ số chứng khoán Nhật Bản giảm 1,21%, chứng khoán Hàn Quốc giảm 2,35%, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Công giảm nhẹ hơn với các mức lần lượt là 0,91% và 1,07%.

Tương tự, giá vàng phiên 2/8 không giảm sau khi Mỹ chính thức thoát vỡ nợ mà lại đột ngột tăng vọt do lo ngại về kinh tế toàn cầu đang mất động lực tăng trưởng. Lúc 22 giờ 21 (giờ Việt Nam) tại New York, giá vàng tăng hơn 20 USD/ounce, lên 1.642,3 USD/ounce (40,73 triệu đồng/lượng).

Nguyên nhân khủng hoảng nợ công vẫn còn

Dù nước Mỹ tránh được thảm họa vỡ nợ nhưng nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ công Mỹ vẫn chưa được giải quyết. Phóng viên TTXVN tại Canađa dẫn phân tích của mạng tin “Công dân Ốttaoa” (Canađa), dự luật không “động chạm” đến các chương trình an sinh xã hội, chăm sóc và trợ giúp y tế là chưa giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng nợ ở Mỹ.

Các nhà phân tích cho rằng, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ thực sự vào năm 2020 khi các khoản chi cho chăm sóc y tế và lương hưu tăng mạnh do dân số Mỹ đang lão hóa.

Khoảng một nửa ngân sách liên bang Mỹ hiện được dành cho các chương trình chăm sóc y tế, hỗ trợ y tế và an sinh xã hội. Hàng năm, ngân sách liên bang Mỹ đang phải chi cho mỗi người Mỹ trên 65 tuổi tới 26.000 USD. Nếu không có gì thay đổi, ba chương trình này sẽ ngốn toàn bộ ngân sách của Mỹ trong vòng 25 năm tới.

Theo các nhà kinh tế, tình hình tại Mỹ trên thực tế xấu hơn nhiều nếu tính cả những khoản nợ chưa được tài trợ, gồm An sinh xã hội (8.000 tỷ USD), Chăm sóc y tế (22.800 tỷ USD) và Hỗ trợ y tế (35.800 tỷ USD).

Theo nhà kinh tế Mary Meeker, nếu coi chính phủ Mỹ là một công ty, công ty này đang thâm hụt ròng khoảng 35.000 - 40.000 tỷ USD. Điều này rõ ràng là không bền vững, và đó là lý do cần cắt giảm mạnh các chương trình xã hội tại Mỹ, cùng với việc tăng thuế.

Đáng tiếc là dự luật vừa được thông qua không xử lý dứt điểm “khối ung thư” và để nó tiếp tục phát triển ở mức không thể kiểm soát, phá hủy các chương trình lành mạnh của chính phủ, trong khi đặt gánh nặng lớn và ngày càng tăng đối với các thế hệ tương lai. Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ.

Dương Tuyến