12:10 15/12/2012

Mỹ siết hoạt động của các ngân hàng nước ngoài

Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ một ngân hàng nước ngoài phá sản có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống tài chính của Mỹ, ngày 14/12, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã siết chặt hoạt động của các ngân hàng nước ngoài.

Trong một nỗ lực nhằm giảm thiểu nguy cơ một ngân hàng nước ngoài phá sản có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hệ thống tài chính của Mỹ, ngày 14/12, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã siết chặt hoạt động của các ngân hàng nước ngoài, theo đó buộc các thể chế này phải tuân thủ các quy định mà lâu này chính quyền áp dụng đối với hệ thống ngân hàng trong nước.

 

Theo quyết định mới này của FED, các ngân hàng nước ngoài có quy mô lớn (với số vốn từ 10 tỷ USD trở lên) muốn hoạt động trên lãnh thổ Mỹ phải thành lập các công ty cổ phần, minh bạch khả năng tín dụng, tuân thủ các quy định về vốn và tính thanh khoản của nước sở tại. Ngoài ra, các thể chế tài chính này phải trải qua các kỳ sát hạch năng lực hoạt động để đánh giá mức độ sẵn sàng đối phó với những cú sốc từ bên ngoài.

 

Trong tuyên bố công bố quy định mới đối với hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tại Mỹ, FED nêu rõ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 vừa qua đã cho thấy năng lực hạn chế của các ngân hàng nước ngoài vào các thời điểm khó khăn. Vì vậy, việc các thể chế này phải tuân thủ các quy định của Mỹ áp dụng đối với các ngân hàng trong nước để giảm thiểu rủi ro là điều cần thiết. Các quy định này sẽ áp dụng đối với 107 ngân hàng và các thể chế tài chính phi ngân hàng nước ngoài tại Mỹ có tài sản tại Mỹ dưới 50 tỷ USD/ngân hàng song tổng vốn hoạt động trên phạm vi toàn cầu từ 50 tỷ USD.Những quy định nghiêm ngặt nhất sẽ được áp dụng đối với 23 ngân hàng nước ngoài có tài sản tại Mỹ và trên phạm vi toàn cầu từ 50 tỷ USD trở lên.

 

Những quy định mà FED buộc các ngân hàng nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Mỹ phải tuân thủ nói trên dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2015. Trước đó, ngân hàng trung ương Mỹ đã siết chặt các quy định hoạt động đối với các ngân hàng lớn nhất của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính ở Phố Wall hồi năm 2008 làm chao đảo hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới này, từ đó lan ra và tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu. Vào thời điểm đó, hàng loạt ngân hàng và các thể chế tín dụng tại Mỹ cạn kiệt vốn đã bị phá sản hoặc phải viện tới các khoản cứu trợ của chính phủ liên bang để thoát hiểm.

 

 

TTXVN/Tin tức