06:09 30/06/2011

Mỹ sẽ tiếp tục can thiệp quân sự vào Libi

Ngày 29/6, với tỷ lệ 14 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiến hành can dự quân sự "hạn chế" tại Libi.

Ngày 29/6, với tỷ lệ 14 phiếu thuận và 5 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự thảo nghị quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama tiến hành can dự quân sự "hạn chế" tại Libi.

Nghị quyết trên, do Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ John Kerry và Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain đề xuất, sẽ cho phép chính quyền Mỹ tiếp tục tham gia hành động can thiệp quân sự do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu ở Libi nhưng cấm tổng thống điều bộ binh đến quốc gia Bắc Phi này. Theo kế hoạch, nghị quyết sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại phiên họp toàn thể của Thượng viện Mỹ.

Cùng ngày, không quân Pháp đã bắt đầu thả dù các thùng vũ khí xuống khu vực Djebel Nafusa, phía nam thủ đô Tripôli, cho quân nổi dậy thuộc bộ tộc Berber. Mục đích của hoạt động tiếp tế này là hỗ trợ các tay súng nổi dậy bao vây thủ đô của Libi.

Trong khi đó, việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi tiếp tục tạo ra những phản ứng trái ngược trên thế giới. Ngày 29/6, Trung Quốc đã kêu gọi ICC thận trọng và công bằng trong vấn đề này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố, Bắc Kinh kiên quyết phản đối các động thái được cho là can thiệp vào công việc của những nước khác, đồng thời một lần nữa kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng Libi thông qua "các cuộc đàm phán hòa bình".

Trong khi đó, người phát ngôn của NATO Oana Lugescu lại lên tiếng ủng hộ hành động của ICC và cho rằng đây là một dấu hiệu nữa của cộng đồng quốc tế gửi tới chính phủ đương nhiệm của Libi.

Tại một cuộc họp báo ở La Hay, Trưởng công tố ICC Luis Moreno Ocampo đã kêu gọi các cộng sự của ông Kadhafi hỗ trợ việc bắt giữ nhà lãnh đạo này. Ông Ocampo nói rằng các cộng sự của ông Kadhafi có thể lựa chọn là một phần của chế độ hiện nay và sẽ bị truy tố, hoặc sẽ trở thành một phần trong giải pháp cho vấn đề Libi, tức là hợp tác để bắt giữ ông Kadhafi.

Chính phủ Libi đã bác bỏ lệnh bắt giữ ông Kadhafi. Bộ trưởng Tư pháp Libi Mohammed al-Gamudi đã cáo buộc hành động trên là một "vỏ bọc để NATO tiếp tục nỗ lực ám sát ông Kadhafi".

Quang Minh