03:16 23/03/2015

Mỹ quyết phá dự án ‘Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ’ của Nga

Mỹ đang tìm cách cản phá Ankara tham gia dự án xây dựng tuyến đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" mà Nga khởi xướng.

Nga đang sử dụng khí đốt như là một công cụ chính trị và Mỹ muốn biết liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đứng cùng mặt trận trừng phạt chống Nga hay không. Đó là tuyên bố của quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Điều mà châu Âu rất cần hiện nay là đa dạng hóa các nguồn cung cấp. Ngày nay, chúng ta đã được thấy tình cảnh các nước châu Âu phụ thuộc dường như duy nhất vào một nhà cung cấp. Bất luận thế nào thì đó cũng không phải là điều tốt. Nhất là khi nhà cung cấp đó lại có xu hướng sử dụng nguồn cung năng lượng như một công cụ chính trị”, ông Amos Hochstein – đặc phái viên phụ trách vấn đề năng lượng Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan điểm trong bài trả lời phỏng vấn tờ Hürriyet (Thổ Nhĩ Kỳ) gần đây.

Nga thay "Dòng chảy phương Nam" (màu vàng) bằng "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" (màu xanh). Ảnh: Parapolitika


Theo quan chức Mỹ, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream) - một sự thay thế cho Dòng chảy phương Nam chuyển khí đốt Nga tới châu Âu qua Biển Đen, không phải là một dự án mang mục đích kinh tế, mà đặt nặng yếu tố chính trị. “Dòng chảy phương Nam cũng chỉ hướng đến mục tiêu vận chuyển khí đốt từ nguồn cung hiện nay đến các khách hàng châu Âu, chỉ khác là qua tuyến đường ống mới. Khi Dòng chảy phương Nam buộc phải dừng, Nga đưa ra tuyên bố về Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng cả hai đều cùng chung bản chất, đều do một nước bỏ tiền xây… Nó mang mục đích chính trị, chứ không phải kinh tế”, ông  Hochstein nói, đồng thời hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra quyết định “dứt khoát” đối với dự án.

“Tôi được biết Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra quyết định chính thức. Tôi nghĩ chúng ta đang thảo luận vấn đề cùng nhau. Cuối cùng thì đó phải là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ, không phải của Mỹ. Tôi nghĩ chúng ta có cùng mục tiêu và vì thế phải thống nhất về các tiến trình sẽ đi đến. Ở một chừng mực nào đó, đây là vấn đề khó, thế nhưng cần phải tin rằng chúng ta ở cùng một phía”, đặc phái viên phụ trách vấn đề năng lượng Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Ông Hochsteinn cũng đánh giá cao bước đi gần đây của Ankara trong việc khai thác dầu khí ở khu vực gần tỉnh miền núi Kandil (miền bắc Iraq) – nơi đặt trụ sở của đảng Công nhân người Kurd (PKK); nhưng lưu ý những nỗ lực như vậy cần có sự phối hợp với chính quyền Baghdad.

"Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" hướng đến việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt chạy từ Nga qua khu vực Biển Đen và lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ tới khu vực biên giới với Hy Lạp. Dự án do tập đoàn Gazprom (Nga) đảm nhận, dự kiến hoàn thành vào tháng 12/2016, có khả năng vận chuyển 63 tỷ m3 khí, trong đó khoảng 50 tỷ m3 sẽ được xuất đi từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, hiện chưa có thỏa thuận ký kết chính thức nào giữa hai bên. Giới phân tích nhận định, trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ còn có tiếng nói phản đối, không muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán vì không muốn phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga. Ngược lại, ngày 17/3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã khởi công tuyến đường ống dẫn khí đốt trị giá hơn 10 tỉ USD, để dẫn khí đốt từ mỏ Shah Deniz 2 của Azerbaijan tới Thổ Nhĩ Kỳ và các nước châu Âu, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.

Mỹ và Liên minh châu Âu thường xuyên chỉ trích “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” mà Nga theo đuổi, cáo buộc Moskva muốn sử dụng năng lượng như là vũ khí để gây sức ép đối với châu Âu. Về phần mình, Nga cho rằng châu Âu không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc kết nối vào tuyến đường ống Thổ Nhĩ Kỳ. Giới chức Nga nói rằng, việc chuyển đổi dòng khí từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm xấu đi hình ảnh của Nga, vì họ luôn là một đối tác cung cấp khí đốt tin cậy và không bao giờ vi phạm các quy định. Moskva khẳng định, với Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, Nga muốn đa dạng hóa và loại bỏ các nguy cơ đến từ những nước “không tin cậy”  (Ukraine), như những gì đã từng diễn ra trong nhiều năm qua và khách hàng châu Âu là người đã nếm trải.


Hoài Thanh (Theo Turkishweekly, ICH)