05:14 04/05/2012

Mỹ: Phong trào xe đạp hay phong trào chính trị?

Khi giá xăng tăng, điều đầu tiên mà người dân các đô thị nghĩ đến là chuyển qua xe đạp. Riêng với người Mỹ, đó còn là cả một phong trào chính trị.

Khi giá xăng tăng, điều đầu tiên mà người dân các đô thị nghĩ đến là chuyển qua xe đạp. Riêng với người Mỹ, đó còn là cả một phong trào chính trị.
 
Trong cuộc tranh cãi dữ dội về chi tiêu chính phủ, nhiều tiếng nói đầy quyền thế ở Washington cho rằng các chương trình cải thiện hạ tầng hỗ trợ người đi xe đạp là một sự lãng phí cần chấm dứt trong chi tiêu liên bang. Những đề nghị ngưng tất cả các khoản chi riêng cho hệ thống hỗ trợ hạ tầng cho xe đạp và người đi bộ xuất hiện tới tấp ở Quốc hội, dù phần chi này chỉ chiếm 1,6% tổng chi tiêu liên bang cho giao thông, dù xe đạp và đi bộ chiếm tới 12% lưu lượng giao thông ở các thành phố Mỹ.
 
Ngay lập tức, những nhóm như Liên minh Xe đạp và đi bộ, Liên đoàn Người đi xe đạp Mỹ, Xe đạp Mỹ, Thuộc về xe đạp, Người dân đi xe đạp, Nước Mỹ đi bộ… lên tiếng dữ dội. Họ khẳng định, một cách có lý, rằng đi xe đạp ở các thành phố lớn có lợi cho tất cả mọi người: tăng cường sức khỏe, tiết kiệm, ít tắc nghẽn giao thông, đường sá an toàn hơn, sử dụng nhiên liệu ít hơn và môi trường trong lành hơn. Những người đi xe đạp cũng cáo buộc các nhóm lợi ích giàu có và quyền lực đứng đằng sau các dự án đường cao tốc khổng lồ cũng như những hãng nhập khẩu dầu mỏ thu lợi lớn từ giá xăng dầu cao đứng đằng sau cuộc vận động này.
 
 

Dư án Green Lane muốn có nhiều hơn nữa những làn đường xe đạp thế này.

 
 
Biến tuyên bố thành hành động, các nhóm này đã hợp tác tổ chức dự án Làn đường xanh (Green Lane Project), sẽ ra mắt vào tháng 5 tới, một sáng kiến giành lại đường sá cho người đi xe đạp. Mục tiêu là vận động ở sáu thành phố Mỹ có những làn đường lớn dành riêng cho xe đạp, trong đó người đi xe được bảo vệ khỏi những phương tiện cơ khí nhờ các vạch sơn, chỗ đỗ xe, rào chắn…
 
Sáu thành phố được lựa chọn cho dự án là San Francisco, New York, Minneapolis, Miami, Long Beach và Pittsburgh. Những nhà tổ chức nói dự án của họ không chỉ là sơn lại đường, mà có tham vọng gầy dựng cả một phong trào đi xe đạp trên toàn quốc, đặc biệt là ở các đô thị lớn, để “mang tới những không gian thuận tiện, thoải mái và an toàn cho người đi xe đạp từ 8 tới 80 tuổi”.
 
Dự án được coi là một sáng kiến đột phá trong việc đi lại bằng xe đạp, được thiết kế đặc biệt cho các đô thị, để đảm bảo những người đi xe cơ giới biết rõ họ sẽ gặp nhiều xe đạp ở đâu. Mạng lưới Green Lane không chỉ là hệ thống đường xe đạp truyền thống, mà là sự kết hợp với các hạ tầng mới khác như chỗ để xe, biển hiệu dành riêng cho xe đạp và một hệ thống chia sẻ dùng chung xe để khuyến khích cả cộng đồng đi xe đạp.
 
Về mặt kinh tế, không có gì phải bàn cãi. Một dặm (khoảng 1,6km) đường nội ô cho xe cơ giới tiêu tốn 46-100 triệu USD, theo Ủy ban Giao thông Hạ viện Mỹ, trong khi một dặm cho đường đi xe đạp chỉ mất 125.000USD. Từ các nhà kinh tế học cho đến vận động viên thể thao, từ bác sĩ đến những lao công đường phố, mọi người đều ủng hộ đi xe đạp. Tuy nhiên, chỉ 7-10% người Mỹ cảm thấy dễ chịu khi đi xe đạp với điều kiện đường sá đô thị hiện giờ, Green Lane có tham vọng thay đổi điều đó.
 
Theo thethaovanhoa.vn