09:11 05/09/2014

Mỹ mở cuộc điều tra quy mô lớn nhằm vào cảnh sát Ferguson

Sau vụ cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da màu không có vũ trang tại thị trấn Ferguson, bang Missouri, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo sẽ mở một cuộc điều tra quy mô lớn nhằm vào hoạt động của lực lượng cảnh sát tại thị trấn này.

Sau vụ cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da màu không có vũ trang tại thị trấn Ferguson, bang Missouri, Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 4/9 thông báo sẽ mở một cuộc điều tra quy mô lớn nhằm vào hoạt động của lực lượng cảnh sát tại thị trấn này.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder cho biết cuộc điều tra sắp tới sẽ đi sâu vào hoạt động của sở cảnh sát tại Ferguson nhằm xem xét cáo buộc của người dân về việc các nhân viên cảnh sát tại đây có các hành vi vi phạm Hiến pháp hoặc luật pháp liên bang.

Theo đó, hoạt động điều tra sẽ tập trung vào các hoạt động của sở cảnh sát Fergusion trong vài năm qua, bao gồm việc sử dụng vũ lực để tìm kiếm và bắt giữ các đối tượng tình nghi cũng như cách thức đối xử với tù nhân.

Cảnh sát tạm giữ một người biểu tình quá khích ở đại lộ Tây Florissant tại Ferguson, Missouri. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng sẽ phối hợp với sở cảnh sát Hạt St. Louis, nơi chuyên huấn luyện cảnh sát thị trấn Fergusion và các địa phương khác, nhằm xem xét việc sử dụng vũ lực, cách giải quyết các cuộc biểu tình lớn và các hoạt động khác của cảnh sát.

Với cuộc điều tra này, Bộ trưởng Holder hy vọng đây sẽ là "một giải pháp lâu dài" nhằm lấy lại niềm tin của người dân cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát.

Phản ứng trước quyết định này, gia đình của Michael Brown, nạn nhân trong vụ án mạng hôm 9/8 vừa qua, đã bày tỏ sự ủng hộ cho rằng cần sử dụng các máy camera giám sát đối với lực lượng cảnh sát trên toàn nước Mỹ.

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá quốc tế cũng hoan nghênh quyết định trên, đồng thời khuyến cáo cần tiến hành điều tra về các hành vi vi phạm nhân quyền trong quá trình kiểm soát các cuộc biểu tình của cảnh sát.

Cùng với nỗ lực của Bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đang tiến hành một cuộc điều tra dân quyền nhằm vào vụ cảnh sát da trắng Darren Wilson bắn chết thanh niên da màu Brown. Ngoài ra, một đại bồi thẩm đoàn địa phương đang xem xét và phân tích những bằng chứng liên quan đến vụ việc trên nhằm xác định liệu cảnh sát Wilson có lạm quyền hay không.

Trước đó, một báo cáo năm 2013 của văn phòng chưởng lý thuộc bang Missouri cho biết cảnh sát Ferguson thường có xu hướng chặn xe và bắt giữ các lái xe người da đen nhiều hơn gấp hai lần so với các lái xe là người da trắng.

Hiện đang vẫn tồn tại nhiều luồng thông tin trái chiều về vụ việc tại Ferguson, theo lời kể của nhân chứng là bạn của Brown, viên cảnh sát (sau này được xác định là Darren Wilson, 28 tuổi, có thâm niên 6 năm trong ngành và đã tạm nghỉ việc từ khi xảy ra vụ nổ súng) đã rút súng bắn Brown mặc dù anh này đã giơ tay quy hàng. Trái lại, cảnh sát tuyên bố Brown đã tấn công và tìm cách cướp vũ khí khiến viên cảnh sát buộc phải nổ súng.

Vụ án mạng này đã làm bùng phát làn sóng biểu tình không chỉ ở thị trấn Ferguson với 21.000 dân, chủ yếu là da màu, mà tại nhiều thành phố của Mỹ. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã hai lần phải lên tiếng kêu gọi mọi người bình tĩnh và kiềm chế để không dẫn tới những vụ việc đau lòng hơn.


TTXVN/Tin tức