08:05 12/08/2014

Mỹ khắc phục sự chậm trễ tại châu Phi

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- châu Phi vừa diễn ra tại Washington tuần qua được coi là một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử giữa hai bên. Với riêng Mỹ, bị Trung Quốc "vượt mặt" trong một thời gian dài, Mỹ đang tìm cách khắc phục sự chậm trễ của mình...

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- châu Phi vừa diễn ra tại Washington tuần qua được coi là một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử giữa hai bên. Với riêng Mỹ, bị Trung Quốc "vượt mặt" trong một thời gian dài, Mỹ đang tìm cách khắc phục sự chậm trễ của mình, trước hết là tăng cường các hoạt động thương mại với các đối tác ở châu lục này.


Với chủ đề "Đầu tư vào thế hệ tương lai", hội nghị có sự tham dự của khoảng 40 nhà lãnh đạo châu Phi. Mỹ coi diễn đàn này là một lời khẳng định về sự cần thiết và quyết tâm thiết lập mối quan hệ kinh tế vững chắc hơn với châu Phi, nơi được coi là đầy hứa hẹn với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm luôn cao hơn phần còn lại của thế giới. Theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của khu vực sẽ tăng 5,8% năm 2015.

 

Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Phi. Ảnh: AFP

Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng châu Phi không phải là nơi cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, song rõ ràng Bắc Kinh đang củng cố vị trí tại đây. Năm 2013, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và châu Phi lên tới 210 tỷ USD, hơn gấp hai lần tổng kim ngạch giữa Mỹ với châu Phi (85 tỷ USD). Các số liệu thống kê cũng cho thấy Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, vẫn chỉ là đối tác kinh tế thứ ba của châu Phi, sau Liên minh châu Âu và Trung Quốc.


Washington phải thừa nhận rằng cuộc "tấn công" kinh tế "nhanh như chớp" của Trung Quốc vào châu Phi trong thập niên vừa qua đã bao trùm nhiều lĩnh vực và khá thành công.

Mỹ đang tìm cách thực hiện các cam kết đối với châu Phi. Nhà Trắng đã bảo đảm với các nước châu Phi rằng sáng kiến "Đầu tư vào thế hệ tương lai" tuy muộn nhưng chắc chắn sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của Mỹ vào châu lục này. Mặc dù vậy, Washington cũng phải thừa nhận rằng cuộc "tấn công" kinh tế "nhanh như chớp" của Trung Quốc vào châu Phi trong thập niên vừa qua đã bao trùm nhiều lĩnh vực và khá thành công. Giới đầu tư cho rằng Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đang chịu sức ép ngày càng tăng của các giới kinh doanh Mỹ đòi phải đưa chính sách châu Phi vào danh sách ưu tiên, và hội nghị cấp cao Mỹ - Phi lần này được xem như một câu trả lời cho những đòi hỏi đó.


Chính vì thế, Will Stevens - quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách về châu Phi - đã bác bỏ những nhận định cho rằng Hội nghi cấp cao Mỹ - châu Phi lần này nhằm chống lại vai trò ngày càng tăng của các nước khác (đặc biệt ám chỉ Trung Quốc) đối với châu Phi. Ông khẳng định: "Mỹ rất vui mừng trước việc châu Phi đang nhận được sự quan tâm lớn của các nước khác như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Với châu Phi hiện nay, càng nhiều sáng kiến và sự trợ giúp cho phát triển càng tốt".


Ai cũng ngầm hiểu đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa một số quốc gia trong công cuộc tìm kiếm lợi nhuận và ảnh hưởng ở châu Phi, và tất cả đều hiểu rằng cuộc tranh giành "chiếc bánh châu Phi" mang đến cho họ cả cơ hội lẫn nguy cơ và thách thức. Cũng như vậy, cuộc cạnh tranh này mang đến cho các nước châu Phi lợi thế để tiến hành thương lượng nhằm đạt được mục tiêu phát triển của mình, song đó cũng chính là một mối đe dọa.


Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tại hội nghị rằng Mỹ đã giúp huy động được khoảng 37 tỷ USD cho việc phát triển châu Phi, trong đó có khoản tiền 110 triệu USD/năm để huấn luyện và trang bị cho quân đội các nước. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ hơn có thể thấy phần lớn trong số 37 tỷ USD là số tiền ngoài ngân sách, trong đó 14 tỷ USD là cam kết của các tập đoàn Mỹ, được hình thành từ Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ - châu Phi vào ngày thứ hai của hội nghị. Một phần trong số còn lại của số tiền 37 tỷ USD là các khoản bảo lãnh của các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Exim Bank. Trong quá khứ, điều này có thể được coi là "kế toán ảo", một thủ thuật nhằm cường điệu hóa sự hào phóng của Mỹ với tư cách một nhà tài trợ.

TTK (Theo "Chính trị thế giới")