09:14 11/09/2012

Mỹ, Israel lại bất đồng về 'giới hạn đỏ' của Iran

Trong động thái cho thấy bất đồng giữa Mỹ và Israel về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran, ngày 10/9 giới chức Mỹ đã đưa ra các phát biểu được cho là khước từ nỗ lực của Israel thuyết phục đặt ra "giới hạn đỏ" đối với Tehran.

Trong động thái cho thấy bất đồng giữa Mỹ và Israel (Ixraen) về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran, ngày 10/9 giới chức Mỹ đã đưa ra các phát biểu được cho là khước từ nỗ lực của Israel thuyết phục đặt ra "giới hạn đỏ" đối với Tehran (Têhêran).


Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (trái) hội đàm cùng Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 5/3. Ảnh: AFP/TTXVN.

Tại cuộc họp báo thường kỳ ở Washington(Oasinhtơn), người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho rằng "vẫn còn thời gian và không gian để các nỗ lực chấm dứt bế tắc về chương trình hạt nhân của Iran mang lại kết quả, theo đó tập trung vào các biện pháp trừng phạt để gây sức ép đồng thời nỗ lực ngoại giao để Tehran thay đổi thái độ".

Tuần trước, Thủ tướng và Israel Benjamin Netanyahu đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đặt ra "giới hạn đỏ rõ ràng" đối với Iran, cho rằng "Iran sẽ không chấm dứt chương trình hạt nhân nếu không thấy rõ quyết tâm của thế giới ngăn chặn chương trình đó".


Ông Netanyahu cũng như Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak đã nhiều lần tuyên bố rằng Israel có quyền tự vệ và tấn công Iran vì kế hoạch hạt nhân của Iran đe dọa các lợi ích an ninh của Israel .


Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBC của Canada (Canađa) ngày 9/9 vừa qua, ông Netanyahu cho biết Ten Avíp đang thảo luận với Washington về vấn đề "giới hạn đỏ" đối với Iran.


Tuy nhiên, người phát ngôn Nhà Trắng Carney nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng mọi giải pháp vẫn để ngỏ để thực hiện cam kết của Washington ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.


Tại cuộc họp báo ngày 10/9, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói "cần tiếp tục xem xét kỹ vấn đề này".


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố Washington "không áp đặt hạn chót đối với Iran" khi đang tìm cách thuyết phục Tehran ngừng chương trình hạt nhân gây tranh cãi.


Phát biểu với đài Bloomberg ngày 9/9 khi kết thúc chuyến công du châu Á, bà Hillary cho biết Mỹ luôn khẳng định mọi lựa chọn đều trên bàn làm việc, nhưng tin tưởng vào quá trình thương lượng, nỗ lực ngoại giao thông qua Nhóm P5+1 (gồm năm nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức), đồng thời vẫn gây sức ép đối với Iran".


Các quan chức Israel đã lên tiếng phản ứng về các phát biểu trên của giới chức Mỹ, cho rằng những phát biểu như vậy "không những không ngăn chặn được Iran mà còn làm Tehran yên tâm".


* Trong một diễn biến khác liên quan, phát biểu trước cuộc họp Ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 10/9, Đại sứ Iran Ali Asghar Soltanieh tuyên bố Tehran sẽ chỉ chấp nhận thỏa thuận mới với IAEA nếu cơ quan này tôn trọng an ninh quốc gia của Iran và đưa ra những tài liệu có sức thuyết phục về các cáo buộc liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này.


Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn lời ông Soltanieh trên kênh truyền hình Press TV, khẳng định rằng Iran "sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA, như đã chứng tỏ trong nhiều năm qua, để chứng minh rằng những cáo buộc về chương trình hạt nhân của Iran là vô căn cứ. Tuy nhiên, trước hết cần phải xác định khuôn khổ cho công việc này".


IAEA trước đó đã kêu gọi Iran ký kết và thực hiện một thỏa thuận về cách thức tiếp cận để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đồng thời khẳng định rằng việc tiếp cận cơ sở quân sự Parchin ở Tây nam thủ đô Tehran là một ưu tiên của IAEA.


Cơ quan này cáo buộc Iran tìm cách thu dọn cơ sở quân sự này để xóa các bằng chứng về các vụ thử hạt nhân.


Tuy nhiên, Iran đã bác bỏ các cáo buộc "vô căn cứ" này và không chấp nhận yêu cầu đòi kiểm tra căn cứ Parchin của các thanh sát viên IAEA trong hai chuyến thị sát vào tháng 1 và tháng 2 vừa qua.


Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano ngày 10/9 đã lên tiếng hối thúc Iran cho phép các thanh sát viên của cơ quan này tiếp cận "không trì hoãn" cơ sở quân sự Parchin, cho rằng các hoạt động diễn ra tại cơ sở này gây "ảnh hưởng bất lợi" tới tiến trình điều tra của IAEA.



TTXVN/ Tin Tức