07:09 13/07/2012

Mỹ đưa tàu rà phá thủy lôi tới Hormuz

Mỹ đã triển khai một hạm đội tàu lặn không người điều khiển tới Vùng Vịnh nhằm ngăn chặn khả năng Iran đóng cửa Eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất của thế giới.

Mỹ đã triển khai một hạm đội tàu lặn không người điều khiển tới Vùng Vịnh nhằm ngăn chặn khả năng Iran đóng cửa Eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu quan trọng nhất của thế giới.

 

Tàu lặn "Cáo Biển" (SeaFox) sẽ được trang bị cho các tàu quét thủy lôi của Hạm đội 5 tại Vùng Vịnh. Nguồn: Internet.

 

Một sỹ quan Hải quân Mỹ cho biết, tàu lặn "Cáo Biển" (SeaFox) sẽ được trang bị cho các tàu quét thủy lôi của Hạm đội 5 tại Vùng Vịnh. Tàu lặn này dài khoảng 1,2 mét, được trang bị một camera cùng hệ thống định vị vật thể dưới nước bằng siêu âm và được dẫn đường bằng một sợi cáp nối với tàu lớn. Theo quan chức trên, "Cáo Biển" do hãng Atlas Electronik của Đức sản xuất, có tầm hoạt động 1.000 mét và mang theo chất nổ để phá thủy lôi.

 

Trước đó, hồi đầu tháng trước, Mỹ đã điều thêm bốn tàu quét thủy lôi gia nhập đội tàu được triển khai tại khu vực này. Hải quân Mỹ hiện có các trực thăng MH-53 Sea Stallion và USS Ponce - tàu đổ bộ được cải tiến thành "căn cứ nổi" đồn trú tại Baranh, căn cứ của Hạm đội 5. Hồi tháng Tư, Mỹ cũng đã điều phi đội máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tới Căn cứ Không quân Al-Dhaafra ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

 

Căng thẳng tại Eo biển Hormuz đã leo thang nghiêm trọng hồi đầu năm nay sau khi giới chức Iran đe dọa phong tỏa các hoạt động vận tải qua đây nếu Mỹ và EU áp dụng các biện pháp trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này, gây tổn hại hoạt động xuất khẩu dầu của Tehran (Têhêran). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng Iran đóng cửa eo biển chiến lược này và phần lớn những lời đe dọa các bên đưa ra là cường điệu.




Chính phủ Mỹ đã áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran nhằm gia tăng sức ép lên Tehran liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

 

*Trong một tuyên bố ngày 12/7, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ các biện pháp trừng phạt bổ sung này nhằm vào "các mạng lưới phổ biến hạt nhân và tên lửa đạn đạo" của Iran cùng hơn 50 công ty và ngân hàng "bình phong" hậu thuẫn các mạng lưới này. Theo bộ trên, hành động trừng phạt này là một phần trong cách tiếp cận kép của Chính phủ Mỹ nhằm gia tăng sức ép kêu gọi Iran giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này.

 

Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính, ông David Cohen, nhấn mạnh việc Mỹ gia tăng trừng phạt Iran là nhằm "trực tiếp ngăn chặn các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này cũng như những âm mưu sử dụng các công ty bình phong để bán và chuyển dầu mỏ". Ông Cohen cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục trừng phạt Iran nhằm ngăn chặn các tham vọng hạt nhân.

 

Các cường quốc phương Tây nghi ngờ Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc chương trình năng lượng hạt nhân dân sự. Tehran đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định nước này cần năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong nước.

 

 

TTXVN/Tin tức