02:10 25/02/2015

Mỹ đề cao vai trò Qatar trong cuộc chiến chống IS

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Qatar là một đối tác mạnh trong liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm đánh bại lực lượng cực đoan IS.

Mỹ và Qatar chia sẻ những quan ngại chung và mục tiêu chung trong cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đang hoành hành tại Syria và Iraq.

Phát biểu với báo giới ngày 24/2 sau cuộc gặp với Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al Thani tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định Qatar là một đối tác mạnh trong liên minh toàn cầu do Washington đứng đầu nhằm làm suy yếu và cuối cùng đánh bại lực lượng cực đoan IS. Ông nhấn mạnh hai nước cam kết tiêu diệt IS, mang lại cơ hội để mọi người dân ở Iraq có thể chung sống trong hòa bình.

Trong khi đó, Quốc vương Al Thani đề cao quan hệ giữa hai nước và bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình tại Trung Đông. Theo nhà lãnh đạo này, cần phải nhanh chóng tìm được một giải pháp thỏa đáng cho cuộc xung đột Israel và Palestine. Các diễn biến ở Syria, Yemen, Libya cũng được hai nhà lãnh đạo thảo luận.

Tổng thống Mỹ Obama và Quốc vương Tamim bin Hamad al Thani tại Nhà Trắng ngày 24/2. Ảnh: Reuters


Qatar là một thành viên trong liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu đồng thời là nơi đặt một căn cứ quân sự lớn của Mỹ. Doha cũng đã cho phép đào tạo các tay súng thuộc lực lượng đối lập Syria ôn hòa trên lãnh thổ của mình.

Về phản ứng của dư luận trong nước đối với cuộc chiến chống IS của chính quyền, Tổng thống Obama đã nhận được sự ủng hộ của người. Nhưng kèm theo đó là không ít hoài nghi về kết quả của cuộc chiến này.

Theo một điều tra dư luận của Pew công bố ngày 24/2, số người ủng hộ các chiến dịch không kích IS là 63% so với mức 57% ghi nhận hồi tháng 10 năm ngoái, trong khi tỷ lệ phản đối giảm từ 33% xuống 30%. Tuy nhiên, có tới 58% trong số 1.504 người được hỏi cho rằng chiến dịch sẽ không thuận lợi và thực sự hiệu quả.

Với câu hỏi về việc điều bộ binh tham chiến, có sự chia rẽ lớn trong dư luận Mỹ khi ý kiến ủng hộ và phản đối là ngang bằng nhau - 47% và 49%. Trong khi đó, tới 70% cho rằng không nên trả tiền chuộc để cứu các con tin và tỷ lệ phản đối là 25%.

Đảng phái và giới tính dường như cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ của người dân Mỹ khi tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến trong các cử tri đảng Cộng hòa lên tới 70%, so với 58% của đảng Dân chủ; 70% cũng là tỷ lệ nam giới bỏ phiếu cho cuộc chiến, trong khi nữ giới là 56%.

Tuy nhiên, đánh giá về kết quả cuộc chiến chống IS, người dân Mỹ tỏ ra khá hoài nghi khi 58% số ý kiến nhận định các chiến dịch không hiệu quả.

Trước đó trong phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh quốc tế chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, diễn ra ngày 19/2 tại thủ đô Washington, Mỹ, Tổng thống Obama đã đưa ra một số ưu tiên với mục đích đẩy lùi những tư tưởng bị các nhóm cực đoan như IS "bóp méo", trong đó có tăng cường hợp tác giữa các nước chống lại các tay súng thánh chiến, nhanh chóng chấm dứt xung đột sắc tộc và căng thẳng tại một số điểm nóng như Syria, chặn đứng nguồn cung cấp tài chính cho các nhóm có tư tưởng truyền bá lòng thù hận và giải quyết những bất đồng chính trị cũng như kinh tế hướng tới phát triển và tăng trưởng.

Theo ông Obama, đây cũng là biện pháp giúp ngăn chặn mọi "chiêu bài" tuyển mộ hòng mở rộng lực lượng thánh chiến của các nhóm cực đoan. Trong khi đó, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đề xuất cần quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống IS trên các phương tiện truyền thông xã hội. Ông cho rằng IS đang tận dụng rất hiệu quả mạng truyền thông xã hội, đặc biệt trong việc tuyển mộ tay súng.


TTXVN/Tin tức