10:10 28/10/2014

Mỹ công bố hướng dẫn mới về cách ly Ebola

Giới chức y tế Mỹ đã công bố những hướng dẫn mới, theo đó yêu cầu các nhân viên y tế thuộc diện có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola sau khi trở về từ các nước "ổ dịch" phải tự nguyện cách ly tại nhà trong 21 ngày.

Ngày 28/10, giới chức y tế Mỹ công bố những hướng dẫn mới, theo đó yêu cầu các nhân viên y tế thuộc diện có nguy cơ cao nhiễm virus Ebola sau khi trở về từ các nước "ổ dịch" phải tự nguyện cách ly tại nhà trong 21 ngày.

Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC), bác sỹ Thomas Frieden. Ảnh: nydailynews.com


Phát biểu trước báo giới, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh liên bang (CDC), bác sỹ Thomas Frieden cho biết tất cả những người trở về Mỹ từ các nước trong vùng dịch gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea sẽ được liệt vào một trong 4 hạng mục có nguy cơ mắc bệnh dựa trên mức độ tiếp xúc của họ với virus Ebola.

Trong đó, các đối tượng bị xếp vào hạng mục có nguy cơ nhiễm virus cao gồm những người từng được lấy máu xét nghiệm trong khi chăm sóc bệnh nhân Ebola; các thành viên gia đình trong quá trình chăm sóc người bệnh không mặc đồ bảo hộ; và những người tiếp xúc với thi thể nạn nhân.

Nhóm đối tượng này được yêu cầu chủ động cách ly tại nhà và kiểm tra nhiệt độ thường xuyên 2 lần/ngày, đồng thời tránh đi lại và tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng trong suốt thời kỳ ủ bệnh là 21 ngày. Bác sỹ Frieden hy vọng những hướng dẫn mới này sẽ nâng khả năng bảo vệ sức khỏe người dân trong khi không tác động xấu đến tinh thần của các nhân viên y tế.

Thông báo này được đưa ra sau khi các quy định kiểm soát đối với các nhân viên y tế Mỹ tham gia điều trị cho các bệnh nhân Ebola ở nước ngoài tại một số bang bị Chính phủ và Liên hợp quốc (LHQ) chỉ trích là quá nghiêm ngặt, gây áp lực và ảnh hưởng đến tinh thần của các nhân viên y tế.

Sự phản đối các quy định này càng tăng cao sau vụ việc cô Kaci Hickox, nhân viên y tế đầu tiên bị cách ly kiểm dịch theo chính sách bắt buộc của New Jersey, đã lên tiếng chỉ trích cách đối xử "tệ hại" tại sân bay Newark khi cô bay từ Sierra Leone về nhà hôm 26/10.

Nhân viên y tế thuộc tổ chức Chữ thập đỏ Liberia thu gom cát, nguyên liệu được dùng để hút chất dịch thải ra từ cơ thể của những bệnh nhân nhiễm Ebola, bên ngoài trung tâm ELWA 2 ở Monrovia ngày 23/10. Ảnh: AFP/ TTXVN.


Theo nữ y tá này, cách hành xử của giới chức sân bay khiến cô cảm thấy mình như một "tội phạm" và bị cách ly tại một túp lều nhỏ thiếu thốn các điều kiện sinh hoạt bên ngoài bệnh viện Newark dù cô được xét nghiệm âm tính với virus Ebola. Hiện nữ y tá này đã được đưa về nhà và được yêu cầu tiếp tục cách ly tại nhà trong 21 ngày.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, phát biểu với báo giới trong chuyến thăm các nước Tây Phi, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Powers kêu gọi cộng đồng quốc tế có sự ứng phó mạnh mẽ hơn đối với dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của gần 5.000 người ở khu vực các nước Tây Phi.

Theo bà Powers, một trong những biện pháp để đẩy lùi dịch Ebola là gia tăng nỗ lực chữa trị cho các bệnh nhân, xây dựng thêm các trung tâm điều trị và giáo dục người dân.

Trong khi đó, nhật báo “Medical Daily” ngày 27/10 đăng kết quả nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học thuộc trường đại học University of Buffalo của Mỹ cho biết nhóm virus Filoviruses, trong đó gồm cả virus Ebola, có thể đã tồn tại cách đây từ 16 đến 23 triệu năm, chứ không phải hơn 10.000 năm như đánh giá trước đây.

Theo giáo sư Derek Taylor, Trưởng nhóm nghiên cứu, phát hiện mới này nếu được chứng minh là chính xác có thể sẽ giúp cho các nhà khoa học sớm sản xuất ra các loại vaccine mới để ngăn chặn sự lây lan của chủng virus chết người này.


TTXVN/Tin Tức