02:10 10/02/2011

Mỹ công bố chiến lược quân sự quốc gia năm 2011

Ngày 9/2 (giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược quân sự quốc gia năm 2011, kêu gọi phát triển lực lượng tập trung hơn vào châu Á.

Ngày 9/2 (giờ Việt Nam), Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố chiến lược quân sự quốc gia năm 2011, kêu gọi phát triển lực lượng tập trung hơn vào châu Á.


Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2004 Mỹ đưa ra chiến lược quân sự quốc gia mới, trong đó không chỉ tập trung vào cuộc chiến tại Irắc và Ápganixtan mà còn đưa ra nhiều biện pháp đối phó với các thách thức chiến lược khác.

Chiến lược quân sự quốc gia năm 2011 dài 21 trang của Mỹ được xây dựng trên cơ sở Chiến lược an ninh quốc gia năm 2010 và các mục tiêu trong bản "Báo cáo quốc phòng bốn năm" mới nhất, vạch ra vai trò của các lực lượng hải-lục-không quân và lính thủy đánh bộ Mỹ nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực, răn đe và đánh bại sự xâm lược, tăng cường an ninh toàn cầu thông qua hợp tác khu vực và quốc tế, đồng thời đặt mục tiêu tái cơ cấu lực lượng trong tương lai.

Chiến lược này là một tuyên bố rộng về cách thức quân đội Mỹ sử dụng lực lượng cũng như ưu tiên hỗ trợ và huấn luyện nhằm giúp Mỹ đạt được những mục tiêu an ninh. Theo đó, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các nước đồng minh và liên minh, như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời mở rộng hợp tác với Liên minh châu Phi (AU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy quan hệ quân sự.

Tuy nhiên, chiến lược mới cũng khẳng định Oasinhtơn có thể đứng riêng nếu cần thiết. Phó Đô đốc John Roberti thuộc Văn phòng Chiến lược và Chính sách, Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết chiến lược mới tập trung vào châu Á vì nền kinh tế toàn cầu hiện đang chuyển dịch về khu vực này, đồng thời tại đây cũng có nhiều cường quốc quân sự đang trỗi dậy.

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen đã nhấn mạnh tới phương pháp "toàn diện", không chỉ có các lực lượng an ninh mà còn cần cả biện pháp ngoại giao và các tổ chức phi chính phủ nhằm giải quyết những thách thức an ninh trong tương lai.


Theo luật pháp Mỹ, chiến lược quân sự quốc gia phải được xem xét theo định kỳ 2 năm, nhưng cũng nói rõ rằng nếu không có thay đổi cần thiết thì cũng không cần thực hiện. Chiến lược này là cơ sở để các chỉ huy quân sự Mỹ xây dựng kế hoạch, kể cả những chương trình phát triển vũ khí mới hoặc kéo dài có vẻ sẽ gặp khó khăn trong xu hướng cắt giảm chi tiêu tại nước này.

Quang Minh (tổng hợp)