08:11 06/08/2014

Mỹ có nên lo lắng Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại sân sau?

Khi mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ngày càng xấu đi, một số người cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc (và Nga) tới Mỹ Latinh nhằm tạo áp lực đối với Mỹ.

Khi mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ngày càng xấu đi, một số người cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc (và Nga) tới Mỹ Latinh nhằm tạo áp lực đối với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Argentia. Ảnh: CNTV


Từ ngày 13-23/7 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công du một loạt các nước ở khu vực Mỹ Latinh như Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba. Khi ở Brazil, ông Tập đã tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 của khối BRICS (nhóm các quốc gia mới nổi gồm Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi) cũng như hội nghị Trung Quốc-Mỹ Latinh và vùng Caribe. Chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm giúp định hình nền tảng cơ bản trong mối quan hệ mới giữa Bắc Kinh và khu vực Mỹ Latinh, tăng cường hợp tác giữa các nước trong khối BRICS, mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở vùng Western Hemisphere và cải thiện hình ảnh ngoại giao của Trung Quốc trên toàn cầu.

Theo ông Dong Chunling, chuyên gia phân tích tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Mỹ, mặc dù Mỹ chủ yếu đang phải tập trung vào thảm họa máy bay MH17 của Malaysia rơi tại Ukraine cũng như cuộc xung đột Israel-Hamas ở Trung Đông, nhưng Washington vẫn coi khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe như là sân sau của mình. Do đó, với chuyến thăm trên của ông Tập, truyền thông Mỹ đã có một loạt các báo cáo thể hiện một số sự lo ngại chủ yếu sau:

Thứ nhất, trong khi mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đang ngày càng xấu đi, một số người cho rằng chuyến thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc (và Nga) tới Mỹ Latinh nhằm tạo áp lực đối với Mỹ. Bài bình luận trên tờ Bưu điện Washington với tiêu đề “Lãnh đạo Trung, Nga tìm cách xâm nhập vào Nam Mỹ” nhận định chính phủ Mỹ cảm thấy bị áp lực khi các nhà lãnh đạo của Nga và Trung Quốc tới thăm Mỹ Latinh. Hơn nữa, chuyến thăm này cũng nhấn mạnh sự kết hợp giữa kinh tế và ý thức hệ cho phép Bắc Kinh và Moskva mở rộng ảnh hưởng của mình tại sân sau của Mỹ.

Thứ hai, cùng với sự ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và sự suy giảm của Mỹ trong khu vực, các quốc gia Mỹ Latinh nhìn chung coi Trung Quốc như là một giải pháp nhằm chống lại quyền bá chủ của Mỹ. Hội đồng về các vấn đề khu vực Hemisphere có một bài viết với tựa đề: “Con Rồng (Trung Quốc) ở sân sau của Chú Sam (Mỹ)” bình luận rằng, với sự nổi lên của Trung Quốc trên vũ đài thế giới, nhiều nước Mỹ Latinh đã mở rộng vòng tay chào đón sự đầu tư từ Trung Quốc, vì họ coi Bắc Kinh là một sự đối trọng với quyền bá chủ của Washington trong khu vực. Khi đầu tư, thương mại và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này tăng lên, mặc dù sự hiện diện của Mỹ vẫn ở vị trí thống trị, nhưng sẽ dần giảm đi. Giả sử rằng chính sách của Mỹ đối với khu vực vẫn không thay đổi, rất có thể Trung Quốc sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn.

Thứ ba, việc thành lập Ngân hàng Phát triển và quỹ khẩn cấp của BRICS phản ánh ý định và quyết tâm của các cường quốc mới nổi thách thức trật tự thế giới hiện tại. Hãng tin AP báo cáo rằng các thị trường BRICS không còn muốn Mỹ thống trị đối với hệ thống tài chính toàn cầu, và do đó quyết định thành lập "Ngân hàng Thế giới", "Quỹ Tiền tệ Quốc tế" của riêng mình. Chuyên gia Harold Trinkunas tại Viện Brookings cho rằng BRICS đang tìm kiếm giải pháp thay thế cho các trật tự thế giới hiện tại, và thể hiện mong muốn chung là có tiếng nói lớn hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu. Hiện nay, các nước vẫn đang phải chịu đựng sự thống trị của phương Tây đối với hệ thống tài chính. Để đáp ứng các yêu cầu khắc nghiệt của Ngân hàng Thế giới (IMF), những quốc gia này hoặc phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây, hoặc bị buộc phải cắt giảm ngân sách của họ.

Mỹ coi khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe như là sân sau của mình.


Ông Dong Chunling cho rằng 3 đánh giá trên thể hiện cách nhìn sai lệch về Trung Quốc, một sản phẩm của logic hiện thực và tư duy "tổng bằng không". Thay vào đó, chuyến đi của Chủ tịch Trung Quốc tới Mỹ Latinh nên được hiểu theo 4 cách sau đây:

Đầu tiên và quan trọng nhất, trong khi tăng cường quan hệ với Nga, Brazil và các nước đang phát triển khác, Trung Quốc đang tích cực nhằm xây dựng một mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã dừng chân thăm các nước Mỹ Latinh sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Trong việc xử lý các vấn đề nóng quốc tế, Trung Quốc hoạt động theo nguyên tắc "khách quan và công bằng", và đưa ra những phán quyết dựa trên các sự kiện. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã luôn luôn ủng hộ chính sách "không liên minh" của mình. Vì vậy, tuyên bố rằng "Trung Quốc đang gây sức ép với Mỹ khi liên minh với Nga" là một chút “thiên vị” và không phải là quan điểm chủ đạo của các học giả Mỹ.

Thứ hai, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế. Ông Tập đã nhấn mạnh sự hợp tác, hữu nghị và phát triển khi ở thăm các nước này. Không có nỗ lực để tăng cường bất kỳ loại liên minh ý thức hệ hay khuấy động tình cảm "chống Mỹ". Một bài báo đăng tải trên tờ Thời báo Tài chính của Mỹ có tựa đề "Chuyến công du của ông Tập tới Mỹ Latinh đặt vấn đề thương mại trước ý thức hệ" cũng chỉ ra rằng Mỹ đã quan tâm quá mức đến vấn đề ý thức hệ.

Thứ ba, việc thành lập ngân hàng BRICS không phải là để “lật đổ” trật tự kinh tế toàn cầu hiện tại. Thay vào đó, điều này sẽ cung cấp một động lực cho quá trình cải cách trong cơ chế quản lý kinh tế do phương Tây thống trị. Một bài báo được trang mạng Foreign Policy của Mỹ đăng tải cho rằng BRICS đang thúc đẩy việc thành lập ngân hàng này vì muốn thể hiện những nỗ lực chân thành của họ, một phần vì sự thất vọng rằng Mỹ đang thất bại trong việc bảo đảm thực hiện các lời hứa của mình. Trong một nỗ lực làm dịu sự bất mãn của các nước đang phát triển, Mỹ và các nước phương Tây khác năm 2010 tuyên bố rằng thị phần của các nước đang phát triển sẽ tăng lên 6%. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã thực hiện sự cải cách rất hạn chế vì họ xem điều này cản trở lợi ích của Mỹ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Trung Quốc tăng cường hợp tác với các nước Mỹ Latinh sẽ có lợi cho sự thịnh vượng và phát triển kinh tế khu vực, và cũng là vì lợi ích của Mỹ. Vì quan hệ Mỹ-Mỹ Latinh có một lịch sử lâu dài, Mỹ nên tự tin về tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực này. Tuy nhiên, kỷ nguyên "phạm vi ảnh hưởng" đã qua và Mỹ nên cởi mở đối với quan hệ Trung Quốc-Mỹ Latinh. Một khu vực Mỹ Latinh tích cực, chủ động có thể đóng góp cho sự phát triển mối quan hệ Trung Quốc-Mỹ thay vì là nguồn gốc của sự nghi ngờ giữa hai nước. Trung Quốc và Mỹ nên làm việc cùng nhau để có những hành động thể hiện là những quốc gia có trách nhiệm ở Mỹ Latinh, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Châu Phi..., để tìm kiếm những mô hình tốt nhất về cùng tồn tại và hợp tác, bỏ lại trò chơi “tổng bằng không", và thúc đẩy một mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới trong khuôn khổ hai bên cùng thắng.


Công Thuận (Theo C.U.F)