02:11 09/02/2015

Mỹ - châu Âu rạn nứt do Pháp - Đức ‘xoay trục sang Nga’

Bản kế hoạch hòa bình mới do Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đề xuất bao gồm việc Ukraine thuận theo quy chế không liên kết và liên bang hóa.

Bản kế hoạch hòa bình mới do Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đề xuất bao gồm việc Ukraine thuận theo quy chế không liên kết và liên bang hóa.

Cho đến nay, kết quả các cuộc đàm phán cấp cao Đức - Ukraine - Pháp và Đức - Nga - Pháp diễn ra trong 2 ngày 05-06/2 vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, tờ Le Figaro(Pháp) đưa tin: Kế hoạch hòa bình do Pháp - Đức làm trung gian bao gồm việc tuân thủ và thực hiện có hiệu quả toàn bộ 12 điểm có trong Thỏa thuận Minsk (9/2014); đặc biệt, “nó còn hướng đến việc một nước Ukraine theo định hướng trung lập và liên bang hóa”.

Le Figaro cũng cho biết, việc bà Merkel đồng ý đàm phán cho thấy “có lý do để lạc quan”, bởi lẽ cuộc gặp theo thể thức Normandy dự kiến vào ngày 15/1 vừa qua ở Astana là ý tưởng của nhà lãnh đạo Đức (đã không diễn ra). Tờ báo này dẫn lời các nguồn tin nói rằng, “Pháp nhất quán với quan điểm xúc tiến cuộc gặp 4 bên bằng bất cứ giá nào. Duy trì đối thoại với Nga là cần thiết, ngay cả khi điều đó chưa mang lại kết quả”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (giữa) tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Pháp - Đức ở Moskva hôm 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN


Kế hoạch hòa bình mới đã gây ra những rạn nứt trong mối liên hệ giữa Mỹ và các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich cuối tuần qua, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier bác bỏ ý tưởng cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine mà một số quan chức tại Nhà Trắng, NATO đưa ra, khi ông nói rằng việc làm này “không chỉ mạo hiểm, mà còn phản tác dụng”.

Còn tại Pháp, sau khi Tổng thống Hollande kêu gọi Kiev giành cho miền Đông quyền tự trị lớn hơn, thì cựu Tổng thống Pháp và hiện là đương kim lãnh đạo Liên minh vì Phong trào nhân dân (UMP) Nicolas Sarkozy cũng công khai thể hiện thái độ “xoay trục” sang Nga, ngầm phản đối Mỹ. Phát biểu trên kênh truyền hình Pháp, ông Sarkozy bình luận “chúng ta là một phần của một nền văn minh chung có cả nước Nga trong đó. Lợi ích của Mỹ với trong quan hệ với Nga không phải là lợi ích của châu Âu với Nga. Chúng ta không muốn chiến tranh Lạnh giữa Nga và châu Âu quay trở lại… Người dân Crimea đã chọn Nga và chúng ta không thể đổ lỗi vì điều này”.

Ngược lại, thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, trưởng phái đoàn Mỹ tại Hội nghị An ninh Munich thì bình luận: Quan điểm của bà Merkel là “không thể chấp nhận được”, “sai lầm nghiêm trọng”. Phát biểu trên kênh truyền hình TV ZDF (Đức), ông McCain đã công khai chỉ trích cách tiếp cận của Berlin, khi nói rằng “chính phủ Đức dường như không có manh mối gì, hoặc chẳng quan tâm chút nào tới thực cảnh người dân đang bị giết hại ở Ukraine”.


Hoài Thanh (Theo France24, Zerohedge)