Ngày 22/1, Nhà Trắng tuyên bố các cuộc đàm phán thương mại cấp cao với Trung Quốc đang được tiến hành theo đúng kế hoạch, bác bỏ thông tin cho rằng tiến triển hướng tới giải quyết căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đang bị đình trệ.
Theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington vào tuần tới trong bối cảnh hai bên nỗ lực giải quyết tranh chấp thương mại trước ngày 1/3 - thời điểm "đình chiến thương mại" 90 ngày kết thúc. Nếu giới chức hai nước không đạt được giải pháp cho cuộc chiến thương mại, Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Trước đó, ngày 22/1, tờ Financial Times và hãng truyền thông CNBC đều đưa tin Washington đã hủy cuộc họp trù bị dự kiến diễn ra tuần này trước thềm chuyến thăm của ông Lưu Hạc. Giới chức Mỹ được dẫn lời chỉ ra một số vấn đề gai góc nhất trong giải quyết căng thẳng thương mại đạt được ít tiến bộ, trong đó có việc chuyển giao công nghệ và những chương trình cải cách cơ cấu sâu rộng đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, trả lời hãng CNBC, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã thẳng thừng bác bỏ những thông tin trên, khẳng định “không có việc cuộc họp được lên kế hoạch đã bị hủy”. Ông Kudlow nhấn mạnh Mỹ tiếp tục gây sức ép đối với Trung Quốc về một số vấn đề, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ và sự can thiệp của nhà nước vào các thị trường.
Cuộc chiến tranh thương mại đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã liên tiếp trả đũa nhau bằng thuế. Đến nay, tổng lượng hàng hóa bị đánh thuế mới cao hơn của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD.
Trong năm 2018, Trung Quốc tiến hành một loạt điều chỉnh cấu trúc dài hạn trong kế hoạch đưa nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến triển vọng kinh tế ngắn hạn của Trung Quốc thêm bất ổn.
Số liệu chính thức do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố ngày 21/1 vừa qua cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2018 đạt 6,6%, mức tăng thấp nhất của kinh tế Trung Quốc trong gần 3 năm qua. Báo cáo của cơ quan trên nhấn mạnh những lo ngại về căng thẳng thương mại với Mỹ có nguy cơ làm suy giảm “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu.
Do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 đã giảm xuống 3,8% so với 5,3% năm 2017 và các chuyên gia dự báo mức này sẽ còn giảm nữa trong năm 2019.