10:10 31/10/2016

Mưu sinh nơi vùng sông nước miền Tây - Bài 1

Vài năm gần đây, lũ đổ về đồng bằng sông Cửu Long khá thất thường, cộng thêm mùa khô kéo dài, gây hạn hán và xâm mặn khốc liệt. Hệ quả không chỉ là mối đe dọa về an ninh lương thực quốc gia. Phía sau đó còn là dấu hỏi lớn về giá trị cộng đồng dân cư miền Tây khi kế mưu sinh bao đời không còn bền vững.

KHI LŨ VỀ THẤT THƯỜNG

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất cả nước. Nơi đây đất đai trù phú, màu mỡ, thiên nhiên ưu đãi, ít bão gió và lũ quét. Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng này sản xuất tới 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, miền Tây đang mất dần vai trò dẫn đầu về nông nghiệp. Một trong số các nguyên nhân là mực nước từ thượng nguồn đổ về đang giảm sút khó lường.

Nằm ở cuối dòng Mê Công, đồng bằng sông Cửu Long như túi trữ nước ngọt. Thông thường, mùa nước nổi bắt đầu từ tháng Bảy. Nhưng tới cuối tháng 9/2016 mà mực nước trên các nhánh Cửu Long chưa tràn đồng.

Bà Rohima bên cây cột ghi mực nước lũ trước cửa hàng ISA.

Ngay tại rốn lũ vùng đầu nguồn, Cửa hàng dệt lụa thổ cẩm ISA ở xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang có một chiếc cột đánh dấu mực nước lũ từ nhiều chục năm nay. Chủ cửa hàng là bà Rohima, gần 60 tuổi, dân tộc Chăm, chính là người đã ghi lại mực nước lũ lên cột nhà mình. Năm 2000, nước dâng ngập lên tận sàn nhà cao gần 3 m. Còn năm 2015 thì không được đánh dấu vì nước không vào tới chân cột. Bà Rohima không ước lượng được nước lũ năm nay sẽ lên đến đâu, vì vào chính mùa nước nổi mà mép sông còn cách làng tới vài trăm mét.

Theo bà Trần Thị Thuý, 53 tuổi, nhiều năm làm nghề chở ghe du khách tham quan Làng Bè trên sông Hậu, thuộc thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, cứ đến hẹn lũ lại lên, cuối tháng sáu màu nước bắt đầu thay đổi. Người dân nơi đây biết là nước lũ sắp về và sẵn sàng đón lũ, chuyển đồ, di cư và bắt cá. Bây giờ thì không biết đâu mà lường. Nhiều khi người dân nghĩ rằng lũ chẳng về nữa thì tự nhiên nước lại dâng, chẳng kịp xoay xở.

Giữa tháng mười, nước từ thượng nguồn cuối cùng đã về đến ĐBSCL cộng với những trận mưa lớn nên các cánh đồng trũng của vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đã mênh mông nước. Muộn còn hơn không. Thế nhưng, những con lũ muộn cũng kéo theo nhiều nỗi lo hơn vì một số nơi đã khép kín đê bao để vào một vụ lúa mới. Lẽ ra đầu tháng 11 đã xuống giống, nhiều khả năng năm nay sẽ phải đến cuối tháng 11 mới hoàn thành xuống giống vụ đông xuân. Nông dân cẩn trọng, coi chừng nước ngập sẽ ảnh hưởng đến sản xuất.

Theo Ủy ban sông Mê Công, bình quân mỗi năm, sông Mê Công đưa về miền Tây 26 triệu tấn phù sa, chủ yếu vào mùa lũ. Song các đập thủy điện đầu nguồn giữ lại 75% phù sa, chỉ còn khoảng 7 triệu tấn đổ về ĐBSCL. Khi 11 đập thủy điện ở Lào và Campuchia hoàn thiện và đi vào hoạt động có thể giữ lại 90% lượng phù sa về hạ nguồn. Đê bao khép kín cũng khiến đất phía trong đê kém màu mỡ. Năng suất lúa do vậy cũng giảm theo. Nông dân phải tăng phân hóa học bón lúa và dùng thuốc trừ sâu, dẫn tới đất bạc màu, sản lượng lúa giảm.

Đập xả lũ Tha La, xã Vĩnh Tế cuối tháng chín vẫn trơ chân cột.

Ông Tăng Thoại Sơn, Chủ tịch Hội nông dân xã Vĩnh Tế, Châu Đốc, tỉnh An Giang, cho biết xã có khoảng 7.000 người, chủ yếu làm lúa. Nhà nước đã cho xây dựng đê bao khép kín, đập tràn xả lũ để điều tiết nước. Tuy nhiên, những biện pháp này cũng không thể đảm bảo được kế sinh nhai bền vững cho nông dân trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt và sự thất thường của nước lũ. Phía ngoài đê bao, khi lũ dâng cao đúng vụ, nước ngập hết đồng ruộng, làm mục thối gốc rạ mùa cũ, cỏ dại, tốt cho ruộng đất sẵn sàng vào vụ sau. Nước lớn chuột bọ, sâu rầy cũng không còn nơi trú ẩn. Tuy nhiên gần đây, mực nước từ thượng nguồn đổ về ít hẳn. Nước không đủ ngập gốc rạ từ mùa cũ nên nông dân phải dùng máy lật gốc rạ, thậm chí bỏ ruộng vì làm không đủ bù chi.

Anh Nguyễn Văn Đe, ngụ ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế cho biết ruộng đất ngày càng kém màu mỡ. Trước kia anh chỉ dùng 35 kg phân bón cho 1.000 m2 ruộng, thì bây giờ anh phải dùng tới 55 kg trên cùng một diện tích.

Ông Huỳnh Tư, 65 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang nói mục đích của đê bao là để giúp dân làm lúa ba vụ. Nhưng đê bao khép kín lại ngăn phù sa, dẫn tới nông dân phải tăng phân bón. Chất lượng và năng suất lúa kém hơn, giá thành hạ, nên bấu víu vào cây lúa cũng chẳng ăn thua gì. Ông Tư chỉ ra mặt kênh Cần Dâng (nối vào sông Hậu) hồi tưởng lại thời cá tự nhiên về theo lũ, nhắm mắt dùng gậy nhọn có khi cũng xiên được cá. Đê bao khép kín, thuốc trừ sâu, phân hóa học làm cho cá tự nhiên gần như biến mất trên sông rạch và cánh đồng. Ngay cả những loại rau ưa nước lớn, vốn là đặc sản miền Tây như hoa súng, cây điên điển hay rau muống nước cũng trở nên hiếm hoi hơn.

Một điều dễ dàng nhận thấy nữa khi đến với đồng bằng sông Cửu Long là những dãy nhà kiểu nhà sàn đặc trưng của vùng sông nước. Mục đích là để dự phòng nước lũ dâng cao. Dưới sàn là những đáy, dớn, những lưới, lợp, những thuyền bè. Tất cả sẵn sàng cho mùa lũ về để bắt cá thì nay nằm chỏng chơ, khô khốc.

Dường như từ con người cho đến chim chóc, thậm chí cả đồ đạc và dụng cụ mưu sinh nơi đây đều bỡ ngỡ trước những thay đổi từ dòng sông.

Bài 2: Nguy cơ thiếu đói trên vựa lúa

Song Anh