09:11 11/09/2012

Mười thí nghiệm quân sự quái dị nhất thế giới - Kỳ 2

Bom dơi Năm 1940, một bác sỹ nha khoa người Mỹ nảy ra ý tưởng: nếu biết lợi dụng một loài động vật có khả năng chịu tải trọng lớn, hoạt động vào ban đêm, biến chúng thành những quả bom di động thì vừa đơn giản lại có hiệu quả lớn.

4. Bom dơi

 

Năm 1940, một bác sỹ nha khoa người Mỹ nảy ra ý tưởng: nếu biết lợi dụng một loài động vật có khả năng chịu tải trọng lớn, hoạt động vào ban đêm, biến chúng thành những quả bom di động thì vừa đơn giản lại có hiệu quả lớn. Qua quan sát, các nhà khoa học quân sự Mỹ thấy rằng dơi là một loài vật đáp ứng được yêu cầu trên và đặc biệt có đặc tính bay đi kiếm mồi ban đêm, tới sáng thường chui vào công trình kiến trúc ngủ. Ngay sau đó, dự án nghiên cứu chế tạo bom dơi được giới chức Mỹ chuẩn y bởi nó có thể nhanh chóng giúp quân đội nước này nắm trong tay một đội quân cảm tử đông đảo mà không phải lo giải quyết bất cứ chế độ nào liên quan.

 

Dơi sau khi được gắn thuốc nổ sẽ trở thành một chiến binh cảm tử, được đưa lên máy bay ném bom B-29 lên đường thực thi nhiệm vụ. Bay đến vùng trời phía trên mục tiêu định tấn công, những quả bom dơi được thả xuống. Hàng trăm ngàn chiến binh dơi bay rợp không trung, tới sáng chui vào trú ngụ trong những công trình kiến trúc của địch. Mìn hẹn giờ phát hỏa, chiến binh dơi hoàn thành nhiệm vụ một cách oanh liệt. Theo tính toán, một chiếc máy bay ném bom B-29 lúc nhiều nhất chở được 200 nghìn con dơi. Các số liệu thí nghiệm ban đầu cho thấy bom dơi có ưu thế hơn các loại bom thông thường. Tuy nhiên, do việc nghiên cứu chế tạo bom dơi tiến triển quá chậm và khi đó Mỹ đang tập trung cho kế hoạch Manhattan, nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử, nên cuối cùng dự án bom dơi đã bị dừng lại. Nhân loại tránh được thảm họa khủng khiếp bởi chẳng ai dám chắc rằng các chiến binh dơi chỉ chui vào trú ngụ ở những công trình kiến trúc trong trận địa của địch.

 

5. Dùng chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa

 

Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, điều làm quân đồng minh đau khổ nhất là không thể điều khiển tên lửa đánh trúng được mục tiêu vì hệ thống dẫn đường thường xuyên bị gây nhiễu. Nhằm giải quyết vấn đề này, quân đồng minh đã phải nát óc nghĩ ra một phương thức dẫn đường mới, thoát khỏi mọi thủ đoạn gây nhiễu của đối phương. Đó là dùng chim bồ câu dẫn đường cho tên lửa. Thực chất là dùng bồ câu xác định tuyến đường bay cho tên lửa từ trận địa tới mục tiêu.

 

Ý tưởng này do nhà tâm lý học người Mỹ B. F. Skinner khởi xướng. Nhưng cuối cùng nó đã bị vứt vào sọt rác bởi việc huấn luyện bồ câu mất quá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, không ai dám đảm bảo 100% rằng trên hành trình xác định tuyến đường bay cho tên lửa từ trận địa tới mục tiêu, con bồ câu ấy sẽ không tạt ngang tạt ngửa và có thật là chặng dừng chân cuối cùng của nó là mục tiêu. Nếu trường hợp đó xảy ra, hậu quả thật khó lường. Cuối cùng, bồ câu đã không thể trở thành kẻ dẫn đường cho chiến tranh, mà vẫn là sứ giả của hòa bình và thực hiện nhiệm vụ cao cả nhất là đưa thư.

 

6. Thiết bị bắn tia gây bỏng rát

 

Trong một số hoàn cảnh, giới chức Mỹ không muốn để các binh sĩ của mình đến quá gần nơi nguy hiểm, đồng thời cũng không muốn bố trí lực lượng bắn tỉa tiêu diệt những tên trùm sò kích động bạo loạn để tránh phải chịu áp lực của dư luận. Việc sử dụng vũ khí phi sát thương trong những trường hợp này tỏ ra thích hợp hơn cả.

 

Chính vì vậy, những năm gần đây, Mỹ rất chú trọng tới việc nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí phi sát thương, trong đó có thiết bị bắn tia gây bỏng rát. Nguyên lý hoạt động của loại vũ khí này là sử dụng chùm tia bức xạ điện từ tần số cao bắn vào mục tiêu trong cự ly khoảng 450 m, làm nóng các phân tử nước trên bề mặt da của đối tượng, khiến đối tượng bị bỏng rát, không thể tiếp tục hành động quấy rối nữa. Tuy nhiên, do tới nay vẫn chưa có một báo cáo nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của loại thiết bị này đối với sức khỏe con người, nên cũng không ai muốn biến mình thành vật thí nghiệm để mặt phơi ra trước bức xạ điện từ.

 

Kỳ III: Dự án Stargate, Bom đồng tính, Súng trời, Kế hoạch, Habakkuk