01:18 30/01/2012

Mùa xuân no ấm nơi biên cương

Mùa xuân này, đời sống đồng bào các dân tộc vùng biên cương tây nam của Tổ quốc tiếp tục có những khởi sắc khi những chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước được triển khai có hiệu quả.

Mùa xuân này, đời sống đồng bào các dân tộc vùng biên cương tây nam của Tổ quốc tiếp tục có những khởi sắc khi những chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước được triển khai có hiệu quả.

Khu vui chơi dành cho trẻ em xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.


Để cho “khách quan” khi xuống cơ sở, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Tây Ninh, ông Trương Hồng Đức để chúng tôi chọn điểm đến, vậy là cả đoàn nhà báo rong ruổi cùng cán bộ tín dụng về xã biên giới Tân Đông, huyện Tân Châu.

Vừa ghé Phòng giao dịch huyện Tân Châu, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Hoàng Việt, ở xã Tân Phú, cũng đến giao dịch. Hỏi thăm mới biết, ông Việt là hộ nghèo được vay vốn 5 triệu đồng cách đây 3 năm để góp thêm vào mua bò. Cùng với trồng mía, bò mẹ sinh bò con, số vốn tích cóp hàng năm vừa qua ông Việt mua được đôi bò lớn trị giá 70 triệu đồng. Riêng vụ mía hai bố con đi “tăng bo” mía cũng được 600.000 đồng/ngày. Chúng tôi hỏi vì sao lại trả nợ trước hạn, ông Việt thật thà cho biết: “Mình thoát nghèo rồi thì trả để cho hộ nghèo khác còn vay chứ”. Nghe thấy vậy, ông Trương Hoàng Sơn, Giám đốc Phòng giao dịch Tân Châu “sướng” quá, hí húi ghi lại tên, địa chỉ hộ vay với mục đích vài hôm nữa xuống xã biểu dương cán bộ cơ sở, bởi công tác tuyên truyền đã được người dân thấu tỏ.

Đường về xã Tân Đông không gian nan như về các xã biên giới miền núi phía Bắc, hai bên đường là những khoảnh vườn cao su tiểu điền xanh mướt. Chủ tịch Hội nông dân xã Ngô Khắc Lợi, người con quê lụa Hà Tây nhưng lập nghiệp ở xã biên giới này ngót 30 chục năm có lẻ, làm “hướng dẫn viên” kiêm “phiên dịch” cho đoàn khi đến các ấp đồng bào dân tộc Khmer. Cũng có thể gọi ông Lợi là “thổ công” bởi đi trên đường ông có thể chỉ vanh vách đây là nhà hộ nào, hoàn cảnh kinh tế, diện tích đất vườn ra sao, vay vốn bao nhiêu… Hóa ra trước khi sang làm Hội nông dân gắn bó với NHCSXH, ông Lợi là cán bộ địa chính xã. Chúng tôi thầm nghĩ, quả là những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào đạt hiệu quả có sự đóng góp rất lớn của những người cán bộ nắm vững cơ sở.

Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Đông, ông Ngô Khắc Lợi và bà Thi Cà Puốt, một hộ nông dân có thu nhập 300 triệu đồng năm 2011.


Xã Tân Đông là một trong bốn xã biên giới của huyện Tân Châu. Xã có 9 ấp, trong đó 3 ấp đồng bào dân tộc Khmer, 1 ấp là dân kinh tế mới từ ngoài Bắc vào. Toàn xã có 3.050 hộ, trong đó có 356 hộ nghèo. Cán bộ xã cho biết, điều tra thống kê năm 2011 cho thấy xã đã giảm được 200 hộ nghèo. Đây là kết quả của những chủ trương phát triển kinh tế, đổi mới cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có sự đóng góp của chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH.

Ông Ngô Khắc Lợi cho biết, những năm trước, đời sống của nhân dân còn rất nhiều khó khăn, mùa giáp hạt thường đứt bữa dẫn đến tình trạng bán lúa non, cho vay nặng lãi… Từ khi NHCSXH tiến hành cho vay hộ nghèo, nhất là chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã tiếp sức cho bà con đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế. Đến nay, toàn xã có 31 tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ khoảng 21 tỷ đồng (Hội nông dân quản lý hơn một nửa số tổ và dư nợ), trong đó chương trình cho vay ưu đãi để sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn có dư nợ lớn nhất, hơn 9,6 tỷ đồng; tiếp sau là chương trình cho vay hộ nghèo với hơn 5,4 tỷ đồng…

Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư giống mới, phân bón để tăng năng suất; nhiều diện tich lúa 1 vụ được chuyển sang trồng mía, đất trồng sắn được chuyển sang trồng cây cao su cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đặc biệt là toàn xã hiện đã có khoảng 2.000 ha cao su, trừ một ít của các lâm trường, tổ chức ra thì còn lại hầu hết của các hộ nông dân. Ông Lợi khẳng định, cách đây khoảng 3 năm, nếu không có vốn vay ưu đãi thì nhiều hộ đã phải bỏ cây cao su. Còn bây giờ, một số diện tích cao su bắt đầu cho thu hoạch, theo thời giá năm nay thì thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha. Từ phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Bà Thị Hon, dân tộc Khmer ở ấp Suối Dầm, từ chỗ không đủ ăn, năm 2007 cán bộ Hội nông dân vận động vay vốn hộ nghèo 30 triệu đồng còn không dám vay, thì nay đã có thu nhập 300 triệu đồng/năm từ cao su. Như ông Trung Tròm Gian, trưởng ấp Tầm Phô, chuyển đổi đất lúa một vụ sang trồng mía, nay thu hoạch 600 tấn mía/năm, tương đương 500 triệu đồng/năm… Chỉ tính riêng Hội nông dân, năm 2011 đã bình xét được 839 hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Bên cạnh các chương trình cho vay sản xuất kinh doanh, chương trình cho vay về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã mang lại hiệu quả to lớn, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán sinh hoạt lạc hậu của người dân. Năm 2007, ông Lợi phải đi 3 lần mới vận động được khoảng chục hộ dân vay vốn xây công trình vệ sinh. Còn Giám đốc Phòng giao dịch Trương Hoàng Sơn làm luôn “kiến trúc sư” vẽ mẫu hướng dẫn bà con xây nhà tắm và nhà vệ sinh. Từ các hộ đầu tiên làm hiệu quả, nhiều hộ dân đã làm theo xây dựng hàng trăm công trình nước sạch, vệ sinh của gia đình, góp phần nâng cao chất lượng đời sống.

Anh Danh Vút, ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông bên công trình nước của gia đình.


Chúng tôi đến thăm nhà anh Danh Vút, dân tộc Khmer, ở ấp Tầm Phô. Anh Danh Vút hiện là Chi hội trưởng Chi hội nông dân, kiêm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn. Năm 2008, anh Danh Vút được vay 30 triệu đồng để trồng cao su, đến nay thì gia đình anh đã thoát nghèo. 1,5 ha cao su mới “mở miệng” vào vụ cũng đã cho thu 400.000 – 500.000 đồng/ngày. Anh Vút cũng là một trong những hộ đầu tiên ở ấp vay vốn xây công trình vệ sinh. Hiệu quả có thể thấy qua câu chuyện vui thế này: Bà mẹ anh Vút đi sang ấp khác chơi, nhà họ hàng giữ ở lại nhưng dứt khoát không ở vì nhà đó chưa có công trình nước sạch, vệ sinh.

Đi qua các khóm ấp, đâu đâu cũng thấy đường sá rộng rãi, những ngôi nhà khang trang bên cạnh các vườn cây trù phú. Một bất ngờ nho nhỏ là ở trung tâm xã cũng có một khu kinh doanh dịch vụ đu quay dành cho trẻ em, điều ít thấy ở các xã nông thôn biên giới. Và được chứng kiến sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, chúng tôi cũng thấy hân hoan như niềm vui của con trẻ đang nô đùa ở khu đu quay này.

Bài và ảnh: Ngọc Tú